Tết và nỗi niềm của doanh nhân

Vũ Đức Tâm 11/01/2018 09:42

Tết đến không biết ai mừng rỡ chứ với doanh nhân là cả một núi lo. Lo trả lương, trả thưởng tháng 13, 14… cho nhân viên, công nhân; lo tiền đối nội, đối ngoại. Lo lớn hơn là lo nợ nần. Trả nợ đã khó nhưng đòi nợ còn khó hơn.


Người dân Hà Nội đổ ra đường đón giao thừa và tết Dương lịch 2018. Ảnh: Zing.

Cách đây ít năm, vợ chồng một doanh nhân cỡ nhỏ và vừa bạn tôi ngày 29 tết bất ngờ đến chơi nhà. Ăn trưa xong mà anh chị vẫn lần chần chưa muốn về. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao năm hết tết đến mà ông bà không nóng ruột à?”. Anh đáp: “Đang nóng như lửa đốt đây. Giờ này chủ nợ đang ngồi đầy văn phòng và cả nhà riêng. Một khách hàng lớn thất hứa làm mình thất hứa dây chuyền với cả chục nhà cung cấp nguyên vật liệu”.

Nhưng nỗi lo về tiền chưa bằng nỗi lo về người. Các doanh nghiệp gia công may mặc, giày dép cứ tết đến là toát mồ hôi vì công nhân nhận lương thưởng về quê ăn tết rồi “lặn mất tăm” không quay lại làm việc. Thế nên mấy năm gần đây các doanh nghiệp ngành này ở Hải Phòng mới có phong trào thi nhau tổ chức thuê xe chở công nhân về quê ăn tết để lấy cớ, sau tết lại thuê xe về tận nơi mời gọi, đón công nhân ra đi làm.

Đình đốn sản xuất kinh doanh là thiệt hại đau đớn đối với không ít chủ doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài, khi tết dương lịch chưa qua, tết âm lịch đã đến.

Có thể bạn quan tâm

  • Người Sài Gòn đổ xô đi Hội chợ, mua sắm đón Tết Dương lịch 2018

    Người Sài Gòn đổ xô đi Hội chợ, mua sắm đón Tết Dương lịch 2018

    15:27, 29/12/2017

  • 25% lao động sẽ nghỉ việc nếu công ty 'cắt' thưởng Tết

    04:36, 06/01/2018

  • Không để người dân thiếu tàu, xe về quê đón tết

    18:03, 28/12/2017

Một đại gia xuất khẩu thủy sản có lần tâm sự với tôi, ông kinh hãi hai cái tết mỗi năm. Từ Noel đến qua tết Dương lịch hàng hóa dừng hết vì người nước ngoài nghỉ mùa Giáng sinh và ăn tết Tây. Khi hoạt động trở lại được vài ba tuần nhu cầu hàng nhập bù vào qua đợt nghỉ lễ rất lớn thì ta bắt đầu nghỉ tết Âm lịch. Công nhân về quê ăn tết mất một tháng là thường. Cán bộ cũng đi lễ hết tháng Giêng mới chịu làm ăn ổn định trở lại.

Nỗi niềm của ông gợi nhớ đến tết nước Nhật. Có người bảo nước Nhật vĩ đại được như ngày hôm nay có một nguyên nhân là họ đã bỏ hẳn tết Trung Hoa chỉ còn ăn tết Tây để làm ăn hội nhập với châu Âu năng động, giàu có.

Mấy hôm nay lại đọc được trên mạng nhiều ý kiến các nhà nghiên cứu như GS Võ Tòng Xuân, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái… ủng hộ việc bỏ tết ta, chuyển sang ăn một cái tết Tây thôi cho phù hợp thời đại.

Tết Tây bây giờ dân mình cũng ăn to. Dịp ấy, nhà hàng từ cao cấp đến bình dân nơi nào cũng chật cứng. Ai không có điều kiện đi nhà hàng thì tập bạn bè, người thân ăn uống tại nhà. Ăn nhậu trong dịp tết Tây đối với cơ quan, doanh nghiệp cũng rất có ý nghĩa. Đêm Noel rồi đến đêm giao thừa tết Dương lịch, người đổ ra đường chật cứng.

Không thể phủ nhận, tết Dương lịch đang dần khẳng định vị thế của nó trong dòng chảy một chu kỳ thời gian làm ăn tất bật, thành công hay khó nhọc của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp. Dấu hiệu cạnh tranh của tết dương với tết âm là điều có thật. Rất có thể đến một lúc nào đó người Việt Nam sẽ tưng bừng ăn tết dương lịch theo đúng nghĩa đại diện cho chu kỳ một năm 365 ngày, còn tết âm lịch chỉ dành cho các nghi thức lễ bái tại gia đình, chùa chiền... Và nếu được như vậy thì quá tốt.

Tết ta thực ra là tết Trung Hoa nhập vào Việt Nam. Việc bỏ chữ Hán, chữ Nôm sang dùng chữ Quốc ngữ trước kia khó thế mà các cụ còn làm được thì nay bỏ ăn tết ta sang ăn tết Tây lẽ nào chúng ta không làm được...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tết và nỗi niềm của doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO