Trong bối cảnh thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam ngày càng trở nên chật chội với sự có mặt của các tay chơi kỳ cựu, một người chơi mới như Xanh SM liệu có khả năng tìm được chỗ đứng?
>>>Xanh SM ra mắt dịch vụ giao hàng Xanh Express
Mới đây, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) chính thức ra mắt dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện VinFast trên ứng dụng Xanh SM (Xanh Express). Theo đó, dịch vụ này sẽ được triển khai đồng thời tại 5 tỉnh, thành phố đang có Xanh SM Bike gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai.
Theo đại diện của GSM, lợi thế cạnh tranh của Xanh Express là cam kết giao hàng với quy trình rõ ràng, được giám sát nghiêm ngặt, cùng đội ngũ chăm sóc khách hàng hoạt động 24/7. Ngoài ra, việc ra mắt Xanh Express vào mùa cao điểm cuối năm hứa hẹn mở ra cơ hội tăng thu nhập cho đội ngũ tài xế, đồng thời đáp ứng nhu cầu giao/ nhận hàng tăng cao của người dùng.
“Không dừng lại ở việc cung cấp giải pháp di chuyển bằng xe điện, GSM chính thức gia nhập thị trường giao vận, đưa Xanh SM trở thành nền tảng đa dịch vụ, hướng đến sự văn minh, tiện lợi của các dòng xe thuần điện, thân thiện môi trường”, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty GSM toàn cầu, cho biết.
Vậy là, GSM đang cho thấy sự kỳ vọng với sự ra đời của nền tảng đa dịch vụ sẽ khẳng định tốc độ phát triển và thúc đẩy cuộc cách mạng xanh toàn cầu của GSM. Dịch vụ giao hàng này của GSM được coi là một bước hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ di chuyển xanh của GSM, sau những thành công trước đó với dịch vụ Xanh SM Taxi, Xanh SM Luxury và Xanh SM Bike.
Cũng theo đại diện của GSM, trong thời gian tới, Xanh SM dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng các gói dịch vụ hẹn giờ giao hàng, ghép đơn, giao vận sản phẩm đặc thù… cùng nhiều tính năng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam ngày càng trở nên chật chội với sự góp mặt của các tay chơi kỳ cựu trong nước cùng những gã khổng lồ ngoại mạnh mẽ, một người chơi mới như Xanh SM liệu có khả năng tìm kiếm được chỗ đứng?
>>>Dàn xe dịch vụ Xanh SM Bike xuất hiện nườm nượp trên đường phố Hà Nội
>>>Taxi Xanh SM khai trương dịch vụ tại Đà Nẵng
“Chật chội” thị trường giao hàng
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự kiến sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2025 cùng số lượng người mua sắm trực tuyến dự kiến đạt khoảng 55% dân số với mức chi tiêu trung bình 600 USD mỗi năm trên một người.
Trong khi đó, theo một báo cáo của Allied Market Research, thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam ước tính sẽ đạt khoảng 114.680 tỷ đồng vào năm 2030 (tương đương khoảng 4,88 tỷ USD), với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) đạt mức 24% trong giai đoạn 2022- 2030.
Theo các chuyên gia phân tích, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử đã kéo theo sự phát triển của thị trường chuyển phát nhanh. Bên cạnh đó, tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng thúc đẩy lượng nhập khẩu bưu kiện quốc tế tăng lên và thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước.
Hiện tại, thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam rất phân mảnh với nhiều nhóm doanh nghiệp với những lợi thế cạnh tranh tương đối mạnh mẽ. Ngoài các tên tuổi lớn trong lĩnh vực chuyển phát nhanh nội địa như Vietnam Post, Viettel Post, EMS, SPT, Nasco Express, còn có sự góp mặt các startup nội địa như GHTK, Nhất Tin Logistics, GHN cùng những gã khổng lồ ngoại rất mạnh như J&T Express, Best Express, Kerry Express...
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 GHTK đứng đầu thị phần doanh thu chuyển phát phục vụ thương mại điện tử với gần 31%. Tiếp theo sau là Viettel Post (13,5%), Vietnam Post (13,4%), Flex Speed (11,8%), J&T Express (8,4%), GHN (8,2%) và Shopee Express (6,4%).
Với lợi thế về mạng lưới rộng khắp và lực lượng lao động dồi dào, các doanh nghiệp này đang nắm phần lớn thị phần nội địa và một phần thị phần quốc tế với mảng dịch vụ chuyển phát nhanh tài liệu, hàng hóa, bưu kiện có khối lượng nhỏ và mức giá rất cạnh tranh.
Có thể thấy, thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam hiện đang có một cuộc đua khốc liệt về giá, khiến cho lĩnh vực này dù rất tiềm năng nhưng lại là một trong những lĩnh vực rất khó sinh lời do các doanh nghiệp phải tập trung vào việc “đốt tiền” để tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị phần. Việc một người chơi mới “chân ướt chân ráo” như Xanh SM tham gia vào có thể sẽ gặp nhiều thách thức.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia phân tích, thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa do tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử là rất mạnh, do đó cơ hội trên thị trường còn khá lớn. Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ tài chính cho đến hệ sinh thái khách hàng, Xanh SM rất có thể sẽ làm nên chuyện?
Có thể bạn quan tâm
GSM - Tuyệt chiêu marketing có 1-0-2 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho VinFast
10:00, 01/12/2023
GSM khai trương dịch vụ taxi điện tại Lào
14:15, 09/11/2023
GSM tiến quân ra Đông Nam Á: Dáng dấp của một start-up gọi xe quốc tế
14:31, 16/10/2023
GSM gia nhập thị trường Lào, chính thức trở thành hãng gọi xe quốc tế
16:00, 13/10/2023