Để hoàn thành mục tiêu tổng doanh thu 22.500 tỷ đồng trong năm 2023, Tasco (HUT) sẽ cần vượt qua rất nhiều khó khăn từ kinh doanh, nguồn vốn trong bối cảnh thị trường đầy biến động.
>>Tasco “lấn sân” bảo hiểm
Chiến lược kinh doanh của HUT đã và đang có nhiều thay đổi khi đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới, hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, doanh thu thuần của HUT đạt 295 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hoạt động thu phí vẫn là mảng đem lại doanh thu lớn nhất với 253 tỷ đồng, tiếp theo là kinh doanh bất động sản với 25 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng của HUT tăng 40% lên 197 tỷ đồng nhưng biên lãi gộp giảm từ 41% xuống 33%.
Doanh thu tài chính giảm 80% xuống 25 tỷ đồng do HUT không ghi nhận các khoản thoái vốn như quý I/2022. Trong kỳ, chi phí tài chính, bán hàng giảm nhẹ; còn chi phí doanh nghiệp tăng 48%. Sau khi trừ đi các chi phí, lãi ròng của HUT đạt 910 triệu đồng, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, HUT đặt mục tiêu tổng doanh thu 22.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng. Như vậy, HUT rất khó đạt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đặt ra trong năm 2023.
>>Chính sách đảo chiều, cơ hội cho thị trường chứng khoán
Tính đến thời điểm này, tổng tài sản của HUT đạt 11.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm nay. Khoản mục lớn thứ hai trong cơ cấu tài sản phải thu ngắn hạn của HUT là 1.565 tỷ đồng gồm 486 tỷ đồng phải thu từ khách hàng, gần 1.140 tỷ phải thu khác.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng nợ phải trả của HUT hơn 7.725 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay của HUT là 4.788 tỷ đồng. Công ty có khoản dư nợ dài hạn với ngân hàng 4.485 tỷ đồng để thực hiện các dự án BOT, xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe. Trong 3 tháng đầu năm nay, chi phí lãi vay của HUT lên tới 74 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của HUT đạt 3.874 tỷ đồng bao gồm 193 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,99 lần, cho thấy áp lực trả nợ đối với HUT khá lớn.
ĐHĐCĐ năm 2023 đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung phương án phát hành 116 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, HUT dự kiến sử dụng số tiền hơn 1.162 tỷ đồng thu được để bổ sung vốn cho Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco (trước đây là Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam). Thời gian giải ngân dự kiến trong năm 2023.
Theo phương án mới, cổ đông hiện hữu chỉ được chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm 1 lần cho một hoặc nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mua trong thời gian quy định. Người nhận chuyển nhượng quyền mua không được chuyển nhượng quyền mua đó cho bên thứ ba.
Việc thực hiện phương án phát hành phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng sẽ được thực hiện độc lập với phương án cổ phiếu hoán đổi cổ phần nhằm sở hữu 100% vốn của Công ty CP SVC Holdings. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh HUT hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, việc phát hành cổ phiếu của HUT sẽ gặp nhiều thách thức.
Tuy nhiên, nếu thực hiện phát hành thành công, HUT sẽ tạo giá trị cộng hưởng và gia tăng cho khách hàng thông qua việc hoàn thiện và tối ưu hệ sinh thái (VETC, SVC Holdings, bảo hiểm, tài chính, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, Carpla,...) dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm