Tài chính doanh nghiệp

Thách thức mới với VOS

Hà Phương 25/11/2024 2:33

Kinh doanh thuận lợi trở lại kể từ đại dịch COVID-19, Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam (HoSE: VOS) lên kế hoạch đầu tư thêm tàu mới.

Tuy nhiên, quy mô đội tàu của VOS vẫn còn quá nhỏ so với các hãng trong khu vực.

bieu do T7 2A
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của VOS qua các năm.

Nếu không khắc phục hạn chế này, VOS có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Bất ngờ lỗ trở lại

Tính đến hết năm 2022, VOS mới khắc phục hết khoản lỗ lũy kế từ giai đoạn dài thị trường vận tải biển chìm trong khó khăn. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính quý III/2024, VOS ghi nhận doanh thu đạt 1.269,85 tỷ đồng, tăng 77,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại lỗ ròng 14,14 tỷ đồng. Theo đại diện VOS, sở dĩ Công ty lỗ trở lại do lợi nhuận của công ty bị ảnh hưởng bởi lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý III/2024 là 17,7 tỷ đồng.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2024, VOS ghi nhận doanh thu đạt 4.239 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 344,2 tỷ đồng, tăng 577% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2024, VOS thông qua kế hoạch năm với tổng doanh thu 2.440 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 323 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, VOS đã hoàn thành 127% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Thách thức đầu tư tàu mới

Kế hoạch đầu tư tàu năm 2024 của VOS đã được điều chỉnh/bổ sung bao gồm 10 tàu, cụ thể đầu tư mua 2 tàu hàng rời cỡ Supramax, trọng tải 56.000-58.000 DWT, đã qua sử dụng nhưng dưới 15 tuổi, giá mua tối đa 23 triệu USD/tàu. Đồng thời, đầu tư đóng mới 4 tàu cỡ Ultramax, trọng tải 62.000-66.000 DWT, giá tối đa 40 triệu USD/tàu; đóng mới 4 tàu dầu sản phẩm cỡ MR, trọng tải khoảng 50.000 DWT, giá tối đa 52 triệu USD/tàu.

Lý giải việc phải đầu tư tàu khi hình hình kinh doanh chưa cải thiện, VOS cho biết hiện đang quản lý và khai thác gồm 13 tàu, tổng trọng tải khoảng 420.000 DWT. Trong đó, tàu đầu tư gần nhất là tàu Vosco Sunrise, nhận bàn giao ngày 15/5/2013. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp này chỉ tiến hành tái cơ cấu và chỉ thanh lý các tàu cũ, tuổi cao, không còn phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, Công ty chưa đầu tư thêm được tàu do kết quả lỗ và đặc biệt không thu xếp được nguồn vốn để đầu tư đội tàu mới.

VOS cho biết thêm trong năm 2024, Công ty đã bán và bàn giao tàu dầu sản phẩm Đại Minh vào tháng 5/2024, vì vậy so với năm 2013, đội tàu hiện đã giảm mạnh về số lượng, năng lực vận chuyển. Nếu so với các đối thủ trong khu vực thì quy mô đội tàu của VOS chỉ tương đương một hãng tàu nhỏ trong khu vực.

Hơn nữa, hiện nay Tổ chức Hàng hải Quốc tế đã chuyển mục tiêu không phát thải khí nhà kính từ năm 2100 về năm 2050, lộ trình đã rút ngắn lại 50 năm, đặt ra những thách thức to lớn cho ngành vận tải biển.

Vì vậy, nếu Công ty không thực hiện phát triển đội tàu thì khả năng cạnh tranh sẽ ngày càng giảm, phương tiện vận tải hiện nay của VOS không thể đảm bảo về số lượng và chất lượng để cạnh tranh với các hãng tàu trong khu vực, thậm chí với các chủ tàu tư nhân trong nước, những đơn vị đã tận dụng giá tàu thấp, chi phí vốn rẻ để đầu tư tàu trong giai đoạn 2019 - 2020. Do vậy, bài toán đầu tư và thu xếp nguồn tài chính sẽ là thách thức không nhỏ đối với VOS trong tình hình hiện nay.

- 14,14 tỷ đồng là khoản lỗ ròng của VOS trong quý III. Tuy nhiên lũy kế 9 tháng, VOS lại lãi ròng 344 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức mới với VOS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO