Kế hoạch chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 của NBB với giá chào bán cao hơn thị giá hiện tại được đánh giá là kém khả quan và không hấp dẫn.
>>>Lợi nhuận của Năm Bảy Bảy “bay màu” hơn 94% do đâu?
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức ngày 25/4 vừa qua nhưng bất thành do không đáp ứng điều kiện trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, Công ty CP Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) có kế hoạch trình cổ đông phương án chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1.
Đáng chú ý, mức giá dự kiến chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá cổ phiếu trên sàn hiện nay là 13.350 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 11/5).
Nếu chào bán thành công số lượng cổ phiếu nói trên, NBB sẽ thu về số tiền khoảng 750 tỷ đồng. Trong đó, NBB dự kiến dùng 422,4 tỷ đồng đầu tư bổ sung nguồn vốn cho Dự án Khu dân cư Sơn Tịnh, Quảng Ngãi; 328,8 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi – Bình Thuận.
Phương án chào bán cổ phiếu này được giới chuyên gia cũng như nhà đầu tư đánh giá là kém khả thi và cũng không hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Bởi hiện nay, thị trường chứng khoán vẫn chưa khởi sắc trở lại, cổ phiếu chào bán lại cao hơn thị giá sẽ không thu hút được nhà đầu tư. Chưa kể sau khi phát hành, cổ phiếu sẽ bị đánh giá lại do pha loãng, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro.
Nếu so sánh những lợi ích khi mua cổ phiếu trên sàn và mua cổ phiếu chào bán mới trong trường hợp của NBB, nhà đầu tư có thể sẽ chọn mua cổ phiếu trên sàn nhiều hơn, bởi các lý do sau đây:
Đầu tiên, giá cổ phiếu trên sàn rẻ hơn. Tiếp đến là khi mua cổ phiếu trên sàn thì chỉ sau ngày T+2 là về giao dịch, trong khi đó, nếu mua cổ phiếu phát hành thêm, nhà đầu tư phải chờ từ 1-2 tháng, cổ phiếu mới về tài khoản. Trong thời gia chờ này, nếu cổ phiếu có nhiều biến động tiêu cực thì nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn còn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, dù hiện nay một số chính sách liên quan đến thị trường bất động sản đã được tháo gỡ, lãi suất cho vay cũng đã giảm, cùng nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sức mua trên thị trường.
Ghi nhận chung cho thấy hiện người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu do lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến thu nhập và việc làm của người dân, khiến nhu cầu đầu tư bất động sản gần như vẫn “đứng hình”. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sụt giảm mạnh doanh thu, thậm chí, có doanh nghiệp doanh thu quý I/2023 bằng 0. Tình trạng bỏ nghề, thất nghiệp vẫn diễn ra theo chiều hướng tăng mạnh trong ngành.
Thực tế này chính NBB cũng đang phải đối diện, khi trong quý I/2023 cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này đều sụt giảm rất sâu so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý I/2023 của NBB ghi nhận chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng, giảm hơn 81,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh bất động sản chỉ đạt hơn 10,2 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ.
Mặc dù doanh thu tài chính tăng hơn 51,8%, lên hơn 41 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ hợp tác đầu tư chiếm hơn 40,8 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm hơn 23,5% so với cùng kỳ, xuống còn gần 39 tỷ đồng; Nhưng NBB chỉ lãi ròng hơn 252 triệu đồng, giảm gần 84% so với cùng kỳ.
Không những kết quả kinh doanh sụt giảm, lượng tiền mặt của doanh nghiệp hiện chỉ còn hơn 7 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ vay của doanh nghiệp này lên tới gần 2.705 tỷ đồng, bằng 1,49 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, trong đó, nợ vay ngắn hạn phải trả trong vòng 1 năm là hơn 978 tỷ đồng; nợ dài hạn là gần 1.727 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm