Nợ vay lớn, nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh, thị trường sản phẩm gốc Clo đang cạnh tranh gay gắt… là những thách thức lớn đối với CTCP Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) duy trì phong độ hiện nay.
HVT hiện trực thuộc Tcty Hoá chất Việt Nam (VINACHEM– Bộ Công Thương), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xút, axit HCL, clo lỏng, Javen, thủy tinh lỏng, phân bón tổng hợp NPK, các chất giặt rửa...
Cổ phiếu tăng mạnh
Tính riêng quý 3/2018, doanh thu thuần của HVT đạt hơn 257 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi giảm trừ các khoán chi phí, lợi nhuận sau thuế của Cty đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng gấp 2 so với cùng kỳ.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 07/12/2018
03:12, 17/11/2018
17:20, 22/08/2018
09:56, 02/02/2017
16:23, 24/11/2016
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, HVT đạt doanh thu đạt gần 713 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt gần 82 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ 2017. Theo đó, HVT đã hoàn thành 77% kế hoạch về doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018.
Cùng với đà tăng trưởng kinh doanh, giá cổ phiếu HVT đã tăng khá mạnh, vừa lên 52.000 đồng/cp, tăng 66% so với thời điểm đầu năm 2018. Tuy nhiên, tính thanh khoản của cổ phiếu HVT thấp, với giao dịch bình quân 10 phiên gần đây chỉ 1.620 cp/phiên.
Trong những năm gần đây, HVT mạnh tay trong việc chi trả cổ tức. Cụ thể, tỷ lệ trả cổ tức năm 2016 là 60%, năm 2017 là 40% và năm 2018 là 35%. Tỷ lệ này là cao so với nhiều doanh nghiệp.
Chọn phân khúc ít cạnh tranh
Hàng rào thuế nhập khẩu cùng với thị trường kinh doanh tập trung ở miền Bắc tạo điều kiện cho sản phẩm của HVT ít bị cạnh tranh.
Hiện nay, đối thủ lớn của HVT trong ngành là CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam (MCK: CSV) với những sản phẩm cung cấp ra thị trường gần tương tự với HVT. Tuy nhiên, địa bàn hoạt động của CSV ở miền Nam, nên đối thủ này gần như không ảnh hưởng tới HVT. Trong khi đó, CSV phải giải quyết vấn đề di dời nhà máy nên không thể tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu ở thị trường miền Nam. Đây là cơ hội tốt để HVT thâm nhập thị trường miền Nam.
So với doanh nghiệp cùng ngành khác, tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho của HVT ở mức cao, khoảng 3,14 lần/quý, cho thấy bộ phận bán hàng của HVT hoạt động hiệu quả. Hiện tốc độ bán hàng trong kho của HVT cao hơn CSV tới 2,5 lần.
Áp lực trả nợ lớn
Ông Lý Hải Sinh- Chuyên viên phân tích Cty Chứng khoán VPBS, cho rằng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của HVT luôn ở mức an toàn trong giai đoạn trước, nhưng lại tăng cao trong 2 năm trở lại đây, phần lớn do các khoản vay dài hạn để đầu tư dây chuyền điện phân mới. Hiện tỷ lệ nợ ngắn hạn chiếm 87,3% tổng nợ của. Với tỷ lệ nợ ngắn hạn tương đối cao so với các doanh nghiệp cùng ngành, HVT có thể đối mặt với áp lực trả nợ và rủi ro biến động lãi suất.
Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của HVT là muối công nghiệp và điện chiếm tỷ lệ lần lượt là 30% và 40% trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Giá điện đã tăng 6,08% kể từ tháng 12/2017 và từ đầu năm đến nay giá muối về nhà máy tăng 50% ảnh hưởng đáng kể đến chi phí của doanh nghiệp trong năm 2018.
Ngoài ra, thị trường sản phẩm gốc Clo (HCl, Clo lỏng) hiện đang cạnh tranh gay gắt. Nguồn cung sản phẩm đang lớn hơn nguồn cầu tại khu vực miền Bắc làm cho giá bán các sản phẩm này giảm mạnh, đặt ra thách thức đối với HVT.
Triển vọng ngành hóa chất Việt Nam Hóa chất cơ bản là một trong 10 nhóm ngành nằm trong quy hoạch phát triển đến năm 2025 của ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam. Nhu cầu của thị trường về sản phẩm xút đang cao và doanh nghiệp sản xuất trong nước không đủ cung cấp cho thị trường. Do đó, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 30 – 35 triệu USD mặt hàng xút mỗi năm để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Tuy nhiên, Nhà nước đang áp thuế nhập khẩu khá cao đối với mặt hàng hóa chất cơ bản giúp sản phẩm trong nước tăng thêm khả năng cạnh tranh. Giá sản phẩm xút đang có xu hướng tăng và tỷ trọng doanh thu sản phẩm xút chiếm vị trí cao nhất với 50% trong cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành. Trong bối cảnh nguồn cung hóa chất cơ bản trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, thì đây chính là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành hoá chất Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với một số thách thức nhất định. HVT là một trong 3 doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp hạn ngạch nhập khẩu 30.000 tấn muối công nghiệp với thuế suất 5%. Phần còn lại doanh nghiệp phải nhập khẩu ngoài hạn ngạch với thuế suất lên đến 50%. Nguyên liệu muối hiện nay được doanh nghiệp nhập khẩu từ Australia, Ấn Độ và chịu ảnh hưởng từ chính sách ngành muối của các nước nhập khẩu cũng như thời tiết. Bên cạnh đó, nguồn cung các sản phẩm gốc Clo đang lớn hơn cầu và chưa có dấu hiệu cải thiện trong thời gian tới. Các nhà máy lớn như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn mới chỉ có lọc dầu mà chưa có hóa dầu. Do đó, nhu cầu về sản phẩm gốc Clo chưa có tín hiệu tăng trong thời gian tới. |