Thách thức phủ sóng 5G với CTR

DIỄM NGỌC 18/03/2022 05:15

Theo đánh giá, Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (HoSE: CTR) sẽ được hưởng lợi dài hạn từ xu hướng công nghệ hoá. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư triển khai 5G vẫn còn nhiều thách thức.

>>5G và loT sẽ là chìa khóa để con người bước vào thế giới Internet vạn vật kết nối

Hưởng lợi từ xu hướng công nghệ

Theo công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021, CTR ghi nhận doanh thu đạt 1.990 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 160 tỷ đồng, tăng 21%. Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu công ty đạt 7.454 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và LNTT đạt 471 tỷ, tăng 37%. Doanh thu 2021 của CTR tăng mạnh ở cả 3 mảng lớn bao gồm: Xây lắp công trình, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ khai thác và ứng cứu thông tin, tăng 24%; Bất động sản (BĐS) tăng 209%. Mảng Hợp đồng thương mại và giải pháp tích hợp là mảng duy nhất có giảm thu giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ biên lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện liên tiếp từng năm lên 8,40%, là mức cao nhất trong các năm qua (cùng kỳ 2020 là 7,46%).

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/3, cổ phiếu CTR đóng cửa ở mức 97.700 đồng/cổ phiếu (Nguông: Vietstock)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/3, cổ phiếu CTR đóng cửa ở mức 97.700 đồng/cổ phiếu (Nguồn: Vietstock)

Gần đây, CTR cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2022 khá tích cực với doanh thu đạt 1.330 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và LNTT đạt 74 tỷ đồng, tăng 36%. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, biên lợi nhuận gộp CTR đã tiếp tục cải thiện tích cực trong 2 tháng đầu năm 2022 và tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng của ngành công nghệ - viễn thông, công nghệ hóa đang được thúc đẩy mạnh hơn trong bối cảnh COVID-19. Bên cạnh đó, kế hoạch triển khai 5G tại Việt Nam sẽ tạo ra nhu cầu lớn về hạ tầng viễn thông và là điều kiện tốt cho sự tăng trưởng của CTR.

Đối với mảng cho thuê hạ tầng viễn thông (towerco), CTR đặt mục tiêu tỷ lệ thuê sẽ tăng lên 1,2 trong năm 2025 từ 1,03 trong năm 2021. Theo CTR, Mobifone - công ty viễn thông di động số 3 Việt Nam là đối tác thuê chính của các tháp viễn thông của CTR ngoài Viettel. Trong khi đó, VNPT - công ty viễn thông di động số 2 Việt Nam có vẻ chưa thuê nhiều các trạm của CTR khi hạ tầng hiện tại của VNPT đủ để thúc đẩy tăng trưởng của công ty trong ngắn hạn.

Cùng với đó, CTR kỳ vọng mảng vận hành viễn thông trong nước của mình sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 5 -10% trong 3-5 năm tới. Doanh thu của CTR từ mảng này chủ yếu đến từ việc vận hành các mạng viễn thông của Viettel, vốn đã tương đối bão hòa về vùng phủ sóng địa lý. Điều này giải thích kỳ vọng của ban lãnh đạo về mức tăng trưởng 1 chữ số cho mảng này. CTR nhìn thấy những cơ hội đầy hứa hẹn ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Myanmar. Do cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar, nhiều hãng viễn thông nước ngoài đã rời khỏi nước này, điều này sẽ mang lại lợi ích cho những công ty ở lại.

Riêng mảng xây dựng, CTR đặt mục tiêu doanh thu dịch vụ xây dựng khu dân cư (56% doanh thu xây dựng năm 2021) sẽ tăng trưởng ở mức 2 chữ số cao mỗi năm trong 3 năm tới. Trong mảng doanh nghiệp bán với doanh nghiệp (B2B), CTR cho rằng năng lực xây dựng của công ty ngang bằng với các nhà thầu hàng đầu như Coteccons (HSX: CTD) và Hòa Bình (HSX: HBC). Các khách hàng B2B chính của CTR là các nhà phát triển bất động sản hàng đầu như Novaland (HSX: NVL) và Vingroup (HSX: VIC). Cùng với đó, được hỗ trợ bởi sự hiện diện rộng khắp Việt Nam cũng như chuyên môn trong lĩnh vực cơ điện (M&E), viễn thông và số hóa, CTR tin rằng, công ty có thể thâm nhập vào phân khúc doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng (B2C) mà các nhà thầu chuyên nghiệp vẫn chưa thiết lập hiện diện.

Còn với mảng tích hợp hệ thống và thương mại, CTR dự kiến tăng trưởng hàng năm 30% trong 3 năm tới cho các mảng này. Theo ban lãnh đạo, các mảng tích hợp hệ thống chính của CTR là M&E, giải pháp thông minh (nhà thông minh và thành phố thông minh), dịch vụ năng lượng mặt trời và chuyển đổi số. CTR có thể cung cấp các giải pháp từ đầu đến cuối, từ xây dựng đến cơ điện và Internet vạn vật (IoT), đây là một lợi thế đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh.

Về vốn xây dựng cơ bản, CTR đặt kế hoạch đầu tư hàng năm là 2,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2022-2023. Số vốn còn lại sẽ dành cho việc mở rộng các lĩnh vực kinh doanh khác, số hóa và một trụ sở mới sẽ được chia sẻ với các công ty chung tập đoàn của CTR.

Thông tin từ CTR cho biết thêm, trong 2 tháng đầu năm, CTR đã hoàn thành phê duyệt, được Tập đoàn mẹ thông qua dự án "Đầu tư xây dựng hạ tầng trạm BTS cho thuê năm 2022" với kế hoạch đầu tư 2.500 trạm, tổng mức đầu tư 731 tỷ đồng trước ngày 1/10/2022. Mục tiêu đến 2025, CTR sẽ đạt 10.000 trạm viễn thông từ tập đoàn mẹ Viettel. Đối với mảng xây lắp và giải pháp tích hợp, CTR đã ký thành công nhiều hợp đồng lớn với các đối tác như NVL, CP Việt Nam, VTC,… trong 2 tháng đầu năm.

Trong dài hạn, với lợi thế công ty mẹ là Tập đoàn Viettel, dẫn đầu ngành viễn thông với 54% thị phần trong nước, CTR đặt mục tiêu chuyển dịch từ đơn vị xây lắp và vận hành khai thác viễn thông thành nhà đầu tư và cho thuê hạ tầng viễn thông số một Việt Nam vào năm 2025, kế hoạch tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2020-2025 là hơn 50%/năm.

>>5G: Công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số

Đầu tư 5G nhiều thách thức

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt, thách thức lớn nhất đối với 5G chính là việc phủ sóng. Do tần số cao nên vùng phủ sóng của 5G tương đối thấp, yêu cầu số lượng trạm lớn hơn nhiều so với 4G. Số lượng trạm cần cho 5G sẽ gấp khoảng 4-10 lần số trạm hiện tại.

Chi phí đầu tư lớn cũng sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cho 5G (ảnh: Trạm BTS 5G đầu tiên của Việt Nam - Viettel)

Theo thống kê, hầu hết các quốc gia đều thực hiện, thử nghiệm và thi công 5G là trong vùng tần số 3.3-4.2GHz của 5G Mid Band. Ước tính, số trạm small cell cần xây mới tại Mỹ là 1 triệu trạm so với số lượng cột phát sóng chỉ khoảng 350.000 trong năm 2019. Theo CTR chia sẻ, số lượng small cell cần thiết sẽ gấp khoảng 4 lần số lượng trạm hiện tại. Số lượng trạm lớn sẽ là một trong những khó khăn trong việc triển khai 5G.

Ví dụ Hàn Quốc là một trong những quốc gia triển khai 5G sớm nhất, nhưng vẫn gặp các vấn đề về số lượng trạm. Việc không đủ số lượng trạm buộc Hàn Quốc phải sử dụng hệ thống NSA (Non Stand Alone), tức là không phủ sóng toàn bộ 5G mà các thiết bị di động sẽ chuyển từ 5G về 4G tại các khu vực không được phủ sóng. Điều này dẫn tới việc trải nghiệm chất lượng 5G không được tốt. Đầu tiên là vấn đề về độ trễ, các lỗi xuất hiện khi chuyển giữa 5G và 4G.

Chi phí đầu tư lớn cũng sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cho 5G. Ước tính của Delta Partner cho thấy, doanh thu của thị trường viễn thông toàn cầu năm 2025 so với năm 2017 ước tính sẽ tăng trưởng khoảng 4%, tổng chi phí đầu tư cho 5G ước tính sẽ tăng hơn 30% trong giai đoạn này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét CTR đã chuyển sàn niêm yết sang HoSE từ ngày 23/2,  điều này được xem là tích cực đối với giá cổ phiếu về những vấn đề như thanh khoản giao dịch và thủ tục cấp margin, cũng như việc có thể tham gia vào các quỹ ETF khi CTR có giá trị vốn hóa cao.

“Mặc dù vậy, mức Stock Rating của CTR chỉ đạt 77 điểm, được duy trì đánh giá ở mức trung tính, do đó các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét nắm giữ với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi sức mạnh giá trên mức 80 điểm”, ông Minh khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển đổi số với 5G là nhân tố hỗ trợ quan trọng

    11:34, 15/12/2021

  • 5G và loT sẽ là chìa khóa để con người bước vào thế giới Internet vạn vật kết nối

    16:57, 14/12/2021

  • 5G: Công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số

    14:56, 14/12/2021

  • Thành lập cộng đồng ngành công nghiệp 5G châu Á – Thái Bình Dương

    16:18, 21/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức phủ sóng 5G với CTR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO