Khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, cộng với thách thức quản trị nhân sự và hoạt động sẽ là rào cản lớn đối với sự phục hồi của CTCP Y tế Việt Nhật ở các chặng đường phát triển tiếp theo.
JVC được thành lập năm 2001, là đại lý độc quyền về thiết bị y tế của tập đoàn Hitachi – Nhật Bản tại Việt Nam và là nhà phân phối thiết bị cho một số hãng nổi tiếng trên thế giới như Nemoto, ELK, NINKY Roentgen,…
Cổ phiếu bị kiểm soát
Kể từ khi niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vào năm 2011, với nhiều lần phát hành cổ phần tăng vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ của JVC tăng gấp 5 lần so với trước niêm yết, đạt 1.125 tỷ đồng và trở thành một trong những Cty dẫn đầu về cung cấp các sản phẩm y tế.
Có thể bạn quan tâm
07:11, 17/07/2017
11:52, 16/07/2015
Thời điểm này, JVC được nắm giữ bởi nhiều tổ chức lớn như DI Asian Industrial Fund, Dragon Capital, Vietnam Equity Holding… và luôn trong trạng thái “kín room” khi khối ngoại đã nắm đến 49%.
Tuy nhiên, kể từ khi Chủ tịch HĐQT JVC bị bắt, cổ phiếu JVC đã giảm mạnh từ mốc hơn 22.000 đồng/cp xuống tới 3.140 đồng/cp với dư bán hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên. Như vậy, giá cổ phiếu JVC đã “bốc hơi” gần 86%.
Không chỉ cổ phiếu xuống dốc không phanh, lợi nhuận sau thuế năm 2017 của JVC bị âm 70 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/3/3017 âm 1.029 tỷ đồng. Theo đó, HoSE đã quyết định đưa JVC vào diện bị kiểm soát đặc biệt.
Xử lý khoản lỗ lũy kế
JVC vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2018 (kỳ kế toán 1/4-30/6/2018) với doanh thu thuần đạt gần 108 tỷ đồng, giảm 15,7% so với cùng kỳ và có lãi nhẹ hơn 566 triệu đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, JVC đã được HoSE chuyển từ diện kiểm soát đặc biệt sang cảnh báo.
1.018 tỷ đồng là tổng số tiền lỗ lũy kế của CTCP Y tế Việt Nhật tính đến ngày 30/06/2018.
Dù không còn trong tình trạng thua lỗ, nhưng JVC vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng. Theo MBS, có 2 phương án xử lý khoản lỗ lũy kế của JVC. Thứ nhất, tiến hành sáp nhập 1 cty khác vào JVC. Cty mới giữ nguyên tên JVC nhưng ghi giảm vốn điều lệ tương ứng để bảo đảm xóa khoản lỗ lũy kế. Thứ hai, JVC sẽ tiến hành tách khoản phải thu khó đòi thành cty khác. JVC mới thành lập chỉ giữ lại phần đang hoạt động tốt và loại bỏ dần phần lỗ lũy kế.
Thách thức hoạt động
Mới đây, JVC đã bị Cục thuế TP.Hà Nội thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế từ 2014 đến 2017. Kết quả, JVC bị phạt hơn 1,86 tỷ đồng do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền phải nộp, và bị phạt 1,4 tỷ đồng do có hành vi lập hồ sơ khai thuế ghi thiếu. Tổng số tiền thuế mà JVC bị truy thu lên tới hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế GTGT là hơn 6,98 tỷ đồng; tiền thuế TNDN là 665,7 triệu đồng và thuế nhà thầu là 380,3 triệu đồng...
Trước tình thế khó khăn hiện nay, HĐQT JVC đã quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật đối với ông Ngô Thanh Sơn kể từ ngày 31/08/2018. Theo đó, bà Vũ Thị Thúy Hằng sẽ thay thế vị trí của ông Ngô Thanh Sơn.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc thay máu nhân sự lãnh đạo cao cấp, cộng với việc bị truy thu thuế và khoản lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng sẽ là những thách thức rất lớn đối với JVC hiện nay. Do vậy, chèo lái con thuyền JVC trong bối cảnh hiện nay không phải dễ dàng đối với Ban Lãnh đạo của JVCn
Triển vọng ngành thiết bị y tế Thị trường thiết bị y tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ vượt qua con số 1 tỷ USD vào năm 2018. Theo nghiên cứu của Espicom Business Intelligence, 90% thiết bị y tế ở Việt Nam đều phải nhập khẩu, trong đó Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ là những nhà cung cấp hàng đầu. Trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị y tế trong nước mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất các thiết bị y tế cấp thấp với công nghệ thông thường như găng tay y tế, băng gạc, dao mổ, kéo y tế và các vật tư tiêu hao khác. Nhu cầu mua thiết bị y tế tại các bệnh viện Việt Nam tiếp tục gia tăng do sức ép từ quy mô dân số, yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và nâng cấp thiết bị hiện đại hơn. Thị trường thiết bị y tế Việt Nam được đánh giá là rất hấp dẫn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia được do rào cản gia nhập thị trường ở mức rất cao, đặc biệt là thiết bị y tế kỹ thuật cao. Muốn gia nhập thị trường này, nhà phân phối phải xin được các giấy phép, chứng chỉ, có quy mô vốn lớn và có khả năng làm chủ về công nghệ. Các hãng như GE, Siemens, Phillips... thường chọn 2- 3 đối tác trên toàn quốc, riêng hãng Hitachi chỉ chọn đối tác lâu năm là JVC. Đây chính là rào cản lớn nhất đối với các công ty mới gia nhập thị trường, nhưng lại là lợi thế lớn với những Cty đã tạo lập được quan hệ, sự tin cậy cao với các hãng. Do đó, thị trường thiết bị y tế kỹ thuật cao có tính ổn định, thị phần chính được phân chia giữa các đại lý phân phối của các hãng lớn như Hitachi, GE, Phillips, Siemens. Trong đó, Hitachi đang chiếm 20% thị phần thiết bị y tế tại Việt Nam. |