Việc thiếu tài sản đảm bảo các khoản vay và thiếu sự giám sát của các tổ chức cho vay đã và đang đặt ra thách thức quản trị nợ vay của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG).
Sau khi mua 35% cổ phần của HAG, CTCP Ô tô Trường Hải-Thaco đã ứng vốn trên 10.500 tỷ đồng để giúp Tập đoàn này tái cơ cấu nợ.
Thaco giúp HAG tái cơ cấu nợ
Việc ứng vốn của Thaco giúp HAG tái cơ cấu nợ và chuyển đổi một phần diện tích cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; quy hoạch nông trường và ứng dụng giải pháp cơ giới hóa đồng bộ.
Có thể bạn quan tâm
10:44, 26/03/2019
11:01, 21/12/2018
06:30, 14/08/2018
22:11, 08/08/2018
Sau lễ khởi công dự án KCN Nông - Lâm nghiệp với tổng vốn đầu tư cho hạ tầng lên đến 8.118 tỷ đồng, hai bên sẽ triển khai xây dựng nhà máy chế biến trái cây công suất 500.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 6/2020 với công suất 200.000 tấn/năm. Tại cảng Chu Lai hiện đã có hệ thống kho lạnh trái cây phục vụ cho xuất khẩu. Thaco cũng đã thành lập Cty vận tải nông sản chuyên dụng để phục vụ cho hoạt động logistics trong lĩnh vực kinh doanh trái cây.
Như vậy, mảng trái cây của HAG không chỉ được đầu tư từ giống, trồng trọt, thu hoạch… mà còn được đảm bảo đầu ra. Mục tiêu của HAG là đẩy mạnh xuất khẩu đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo các chuyên gia, việc Thaco bơm vốn cho HAG trong bối cảnh các ngân hàng dường như “ngoảnh đầu” với HAG cho thấy, HAG giống như một “đứa con cưng” được vay vốn một cách quá dễ dàng.
Không đủ tài sản đảm bảo
Tính đến ngày 31/12/2018, HAG còn lỗ lũy kế hơn 36 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Đặc biệt, HAG thiếu tài sản đảm bảo (TSĐB) liên quan đến cao su, cọ, bò… tại các khoản vay và trái phiếu vay Thaco và bầu Đức hơn 1.500 tỷ đồng. Hiện HAG đang vay ngắn hạn ngân hàng gần 913 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hải- Chuyên viên kiểm toán AVA lưu ý, tính đến ngày 31/12/2018, diện tích trồng cây cao su thực tế tại các Cty con của HAG là 44.497 ha, nhỏ hơn 70.643 ha đã đăng ký trong hợp đồng đặt mua trái phiếu trị giá 1.394 tỷ đồng với trái chủ là VPBank. Ngoài ra, hệ số thanh toán hiện hành của HAG nhỏ hơn 1, vi phạm quy định trong hợp đồng trái phiếu 300 tỷ đồng với trái chủ là Cty Việt Golden Farm.
6.143
tỷ đồng là tổng vốn vay dài hạn ngân hàng của HAG đến cuối năm 2018, trong đó vay dài hạn đến hạn trả nợ là 1.538 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng giá trị vốn vay dài hạn ngân hàng của HAG đến cuối 2018 gần 6.143 tỷ đồng, được đảm bảo bằng diện tích cao su, vườn cọ, bò, bất động sản… Trong đó, diện tích cao su thực tế là 14.825 ha, chưa tuân thủ cam kết trong hợp đồng tín dụng hơn 576 tỷ đồng với BIDV – chi nhánh Bình Định là 17.950 ha. Ngoài ra, diện tích trồng cây cọ của Tập đoàn thực tế hơn 4.875 ha, chưa tuân thủ cam kết trong hợp đồng tín dụng 887,5 tỷ đồng với ngân hàng HDBank – chi nhánh Đồng Nai là 6.653 ha...
Chưa dừng tại đó, kiểm toán còn có ý kiến liên quan đến khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn với Cty Đầu tư BĐS An Phú với tổng giá trị gần 7.796 tỷ đồng (giảm 1/4 so với con số tại ngày 31/12/2017 là 10.570 tỷ đồng). Theo đó, kiểm toán cho biết chưa đủ bằng chứng để xác định khả năng thu hồi tổng số dư tính đến ngày 31/12/2019 gần 2.593 tỷ đồng.
Thiếu giám sát của bên cho vay
Theo ông Phan Lê Thành Long- Giám đốc Viện Quản lý Công chứng Úc, thông thường khi doanh nghiệp vay vốn thì ngân hàng sẽ đưa ra các điều kiện và điều khoản kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Trên góc độ quản trị doanh nghiệp, khi đi vay có sự giám sát của người cho vay cũng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn nhằm đáp ứng các điều kiện trong hợp đồng vay.
Tuy nhiên nhìn từ HAG, các tổ chức cho vay dường như rất dễ dãi (!?). Trong BCTC kiểm toán 2018 nhấn mạnh việc không đáp ứng được các điều kiện của hợp đồng vay của HAG không có gì lạ. Kiểm toán lần đầu tiên nhấn mạnh về vấn đề này của HAG trong BCTC năm 2016, khi đó HAG mang đi cho vay bên liên quan cả chục ngàn tỷ nhưng chưa được ĐHĐCĐ phê duyệt. Và việc nhấn mạnh vi phạm các điều khoản hợp đồng vay bắt đầu từ BCTC quý II/2018, và được nhắc lại trong BCTC năm 2018 (như đã phân tích ở trên).
Trên thực tế, câu chuyện về quản trị doanh nghiệp yếu kém ở HAG nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã khiến nhiều doanh nghiệp khủng cách đây 10 năm đã trở nên yếu ớt và đổ vỡ.
Việc những doanh nghiệp như HAG không tận dụng được sự giám sát của bên cho vay để quản trị tốt hơn là chuyện thường thấy ở Việt Nam. “Nhiều doanh nghiệp đi vay quá dễ và nghĩ đó là lợi thế, thì có nguy cơ trở thành những doanh nghiệp dễ bị phá sản nhất”, ông Long nhấn mạnh.
Nguy cơ khủng hoảng thừa trái cây Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ tính riêng nhóm 10 loại trái cây xuất khẩu chính của Việt Nam thì diện tích dự kiến đạt trên 800 ngàn ha vào năm 2020 và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Với tốc độ tăng nhanh về diện tích này, nếu Việt Nam không đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa trái cây. Tiềm năng của thị trường xuất khẩu trái cây còn rất lớn nhưng để nắm bắt được cơ hội này là điều không dễ dàng với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì nhiều nước không ngừng nâng cao tiêu chuẩn cho trái cây xuất khẩu. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay việc chuẩn hóa về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc cho trái cây thì ngay cả ở thị trường được cho là “dễ dãi” như Trung Quốc, trái cây của Việt Nam cũng sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu. Đây cũng là thách thức không riêng với HAG- doanh nghiệp “chân ướt chân ráo” nhảy vào thị trường xuất khẩu trái cây, mà với cả những doanh nghiệp đã hoạt động xuất khẩu lâu năm trong thời gian tới. |