Từ một tỉnh thuần nông, Thái Bình đang “lột xác”, lấy công nghiệp làm động lực phát triển, kỳ vọng sẽ có những đột phá mới cho mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Đón làn sóng công nghiệp
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Thái Bình trở thành tỉnh phát triển về công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực, quốc tế, tỉnh đã tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Nằm trên địa bàn hai xã Nam Hưng, Nam Phú (Tiền Hải), khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú sở hữu vị trí chiến lược trên trục phát triển phía Nam của Thái Bình, nơi hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để hình thành một cực tăng trưởng công nghiệp mới. Với quy mô quy hoạch 350ha, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú làm chủ đầu tư, dự án không chỉ mang theo kỳ vọng lớn của tỉnh mà còn là lựa chọn lý tưởng cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm một vùng đất sinh lời lâu dài, phát triển bền vững.
Với tầm nhìn phát triển bền vững, hài hòa giữa công nghiệp - môi trường - con người, KCN Hưng Phú trở thành không gian sản xuất lý tưởng, đồng thời là hạt nhân thúc đẩy phát triển vùng kinh tế phía Nam huyện Tiền Hải và tỉnh Thái Bình. Đây sẽ là vùng đất lành cho các doanh nghiệp chiến lược, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, cơ khí chính xác, điện tử, công nghiệp phụ trợ và công nghệ xanh.
Báo cáo của UBND huyện Hưng Hà cho biết, trong năm 2024 và đầu năm 2025, Hưng Hà thu hút 14 dự án đầu tư vào huyện, trong đó 11 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 2.700 tỷ đồng; 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 50 triệu USD. Những dự án này sẽ tiếp tục tạo động lực phát triển không chỉ trong năm 2025 mà cả những năm tiếp theo.
Trong các dự án đang triển khai tại Hưng Hà, nhiều dự án có quy mô lớn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch và tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Một trong những dự án nổi bật là dự án khai thác, sản xuất nước khoáng và nghỉ dưỡng khoáng nóng Duyên Hải do Công ty Cổ phần Nhân Bình làm chủ đầu tư.
Ông Phạm Văn Nhiệm, Bí thư Đảng ủy xã Duyên Hải cho biết: Đây là dự án lớn, làm thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy thành du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng, trải nghiệm, tạo việc làm cho người dân địa phương. Sau khi dự án vào hoạt động, Duyên Hải sẽ trở thành trung tâm kết nối phát triển kinh tế du lịch trong vùng, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư để quê hương ngày càng phát triển.
Tiếp đến là, Dự án nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty Cổ phần Kim Minh Hòa Food chuyên chế biến chân gà, cánh gà, thịt xay, thịt miếng ăn liền đóng gói với diện tích sử dụng 9.125m2 có tổng vốn đầu tư 142 tỷ đồng. Công suất thiết kế lên tới hàng chục triệu sản phẩm/năm, bảo đảm cung ứng cho cả thị trường trong nước và ngoài nước.
Ông Phạm Kim Kha, Giám đốc Công ty Cổ phần Kim Minh Hòa Food chia sẻ: Dự án không chỉ nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đồng thời là bước khởi đầu cho một chuỗi giá trị công nghiệp thực phẩm hiện đại tại địa phương.
Hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ, hiện đại
Không chỉ có các dự án quy mô lớn, bức tranh kinh tế công nghiệp tại Thái Bình còn được tô điểm bởi sự vươn lên mạnh mẽ của hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động sôi nổi trên địa bàn.
Năm 2025, tỉnh Thái Bình phấn đấu thu hút vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng trưởng GRDP đạt từ 10,5% trở lên, trọng tâm là công nghiệp với mục tiêu tăng trưởng 19,8%. Phấn đấu đến năm 2030, Thái Bình là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo...
Ông Lee Ark Boon, Tổng giám đốc điều hành Sembcorp Development, đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn VSIP cho biết: Theo quy hoạch đến năm 2030, Thái Bình được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của vùng đồng bằng sông Hồng. Có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đi cùng với mục tiêu đó, tỉnh sẽ phát triển nhiều KCN, bố trí quỹ đất đủ lớn và kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào cùng thúc đẩy phát triển. VSIP là một trong những nhà đầu tư lớn, uy tín đầu tư vào Thái Bình thể hiện quyết tâm đồng hành cùng tỉnh hiện thực hóa mục tiêu lớn này.
Thái Bình ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo. Song song đó, VSIP là nhà đầu tư lớn, giàu kinh nghiệm, có năng lực và có những cơ chế phù hợp thu hút dự án chất lượng cao. Chính vì vậy, có thể nói KCN VSIP Thái Bình sẽ trở thành điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà khẳng định: Với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua, việc chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ là hướng đi tất yếu. Địa phương đang hướng đến trở thành cực tăng trưởng kết nối với tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mở ra cơ hội thu hút các dòng vốn FDI cũng như các nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Không chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế, Hưng Hà cũng triển khai các chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường sống đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình chia sẻ: Với mục tiêu “Lấy công nghiệp làm nền tảng, đầu tư làm động lực và con người làm trung tâm phát triển”, Thái Bình đang tạo dựng một diện mạo kinh tế hiện đại, năng động. Với hướng đi đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Thái Bình đang mở ra một hành trình phát triển mới, mạnh mẽ hơn và đầy triển vọng.