Thái Bình: Vì sao nhiều doanh nghiệp bị người dân đòi đất?

Lan Vũ 12/11/2019 05:50

Hàng loạt doanh nghiệp bị đòi đất khi mới chỉ thuê được 8 – 10 năm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị người dân bao vây, dựng lán trại khiến hoạt động sản xuất tê liệt.

Bỗng dưng…mất đất

Hàng trăm hộ dân tại 2 xã Đông Cơ và Đông Lâm đã nhiều năm đội đơn đi khiếu nại khắp cơ quan, ban ngành tỉnh Thái Bình yêu cầu trả lại đất ruộng mà họ bị thu hồi hơn 10 năm trước để cho các doanh nghiệp thuê tại KCN Tiền Hải. Người dân cho rằng thời điểm đó, chính quyền và họ đã thống nhất cho các doanh nghiệp gạch, gốm sứ như: Viglacera, Long Hầu, Hảo Cảnh, MIKADO,... thuê đất trong 10 năm. Thế nhưng hết thời hạn 10 năm, không có doanh nghiệp nào trả đất cho họ và được trả lời rằng đất của họ đã bị thu hồi vĩnh viễn. Kết quả của sự việc là TAND tỉnh Thái Bình đang thụ lý vụ khởi kiện của 93 hộ gia đình xã Đông Cơ khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của UBND huyện Tiền Hải, Thái Bình.

Người dân chặn cổng doanh nghiệp đòi lại đất tại Hưng Hà

Người dân chặn cổng doanh nghiệp đòi lại đất tại Hưng Hà

Người dân cho rằng có sự mập mờ, đánh lừa từ phía chính quyền trong việc vận động nhân dân chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp từ năm 2005 đến năm 2013. Thời điểm đó, lãnh đạo thôn, xã đã nhận thức sai pháp luật dẫn đến việc truyền đạt cho người dân sai. Chính vì vậy mới có những văn bản họp thôn có thể hiện việc người dân cho doanh nghiệp thuê đất có thời hạn.

Trong các biên bản làm việc của cán bộ xã, thôn ngày đó người dân chỉ đồng ý cho doanh nghiệp thuê đất 10 năm. Theo đó, giá bồi thường nhân theo khối lượng 10 năm cho người dân là khoảng 6,2 triệu đồng/sào. Người dân cho rằng, đến năm 2013 họ phải được nhận lại đất ruộng của mình để tiếp tục canh tác theo thỏa thuận. Nếu doanh nghiệp muốn thuê tiếp thì phải trả thêm tiền cho họ chứ không thể lấy không đất một cách vô lý và bất minh như vậy. Sau này họ mới ngã ngửa vì nhận được văn bản của tỉnh về việc thu hồi đất và giao cho các doanh nghiệp này đến hết năm 2040, có doanh nghiệp đến 2059.

Tương tự, tại KCN Đông Tu (huyện Hưng Hà), người dân đã không ít lần bao vây, cản trở hoạt động của các nhà máy yêu cầu trả lại đất cho họ cũng chỉ vì sự mập mờ trong việc thuê đất 10 năm. 

Người dân thôn Nẽ Châu, thôn Ngũ Lão (Vũ Thư, Thái Bình) chặn cổng Công ty gạch Đại Thắng đòi lại đất

Người dân thôn Nẽ Châu, thôn Ngũ Lão (Vũ Thư, Thái Bình) chặn cổng Công ty gạch Đại Thắng đòi lại đất

Mới đây tại huyện Vũ Thư hàng trăm người dân thôn Nẽ Châu và thôn Ngũ Lão xã Hòa Bình đã tiến hành lập lán trại, chặn cổng Công ty CP gốm xây dựng Đại Thắng để đòi hỏi quyền lợi liên quan đến đất đã chuyện nhượng cho doanh nghiệp từ năm 2005. Sự việc trên đã khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rơi vào trạng thái tê liệt.

Chính quyền có mập mờ?

Không chỉ riêng trên địa bàn 1 huyện mà nhiều huyện của Thái Bình liên tục xảy ra tình trạng người dân đòi lại đất đã cho doanh nghiệp thuê như trên. Người dân cho rằng, họ chỉ cho thuê đất có thời hạn (8 - 10 năm), sau khi hết hạn, họ phải được trả lại đất hoặc được trả thêm tiền. Tuy nhiên, sau nhiều năm năm ròng rã kiến nghị, đòi hỏi quyền lợi liên quan đến đất đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp, người dân các địa phương đều bàng hoàng nhận được câu trả lời rằng đất của họ đã bị thu hồi vĩnh viễn và được giao cho doanh nghiệp thuê lâu dài. Vì quá bức xúc, nhiều nơi người dân đã tiến hành lập lán trại, chặn cổng doanh nghiệp để đòi hỏi quyền lợi.

Sự việc 93 hộ dân xã Đông Cơ khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của UBND huyện Tiền Hải, Thái Bình cho thấy chính quyền Thái Bình dường như đang đứng ngoài cuộc. Người dân chẳng biết kêu ai, còn Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Bình và UBND huyện Tiền Hải cũng chỉ biết chờ tòa phán xét.

Sở TN&MT tỉnh Thái Bình cho rằng, theo Luật Đất đai năm 2013 tại thời điểm thu hồi đã bồi thường hỗ trợ thì người sử dụng đất bị chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ với đất bị thu hồi. Sở TN&MT cho rằng cán bộ xã và tổ sản xuất thời điểm đó nhận thức sai về Luật Đất đai.

Có thể bạn quan tâm

  • Thái Bình: Lại thêm 1 địa phương có dân đi đòi đất đã cho doanh nghiệp thuê

    Thái Bình: Lại thêm 1 địa phương có dân đi đòi đất đã cho doanh nghiệp thuê

    04:50, 06/11/2019

  • Thái Bình: Người dân bị lừa cho thuê đất… rồi mất trắng?

    Thái Bình: Người dân bị lừa cho thuê đất… rồi mất trắng?

    04:50, 28/10/2019

  • Thái Bình: Doanh nghiệp sản xuất đình trệ vì bị chặn cổng

    Thái Bình: Doanh nghiệp sản xuất đình trệ vì bị chặn cổng

    08:00, 26/10/2019

Trở lại sự việc ở KCN Đông Tu, ông Trần Bá Cao - Chủ tịch UBND xã Thái Phương, huyện Hưng Hà cho biết, sự việc thể hiện sự nhận thức không đầy đủ về quyền của người sử dụng đất. Người dân có đất nông nghiệp chuyển nhượng cho doanh nghiệp quan niệm rằng đến hết năm 2013 - năm hết hạn sử dụng đất nông nghiệp được giao cho các hộ dân thì người nhận chuyển nhượng phải chuyển trả lại ruộng đất cho mình. Nhưng theo luật đất đai 2013 ban hành không có quy định này mà theo quy định người đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc Nhà nước đã thu hồi đất đều không thuộc đối tượng được Nhà nước gia hạn quyền sử dụng đất. Vì vậy, những đòi hỏi của người dân là không có căn cứ pháp lý để giải quyết. Vậy, không có ý do gì mà người dân lại kéo đến trước cổng doanh nghiệp để đòi lại đất đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp, nếu xét theo khía cạnh khác hành động quá khích của một số hộ dân có thể xét vào hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, dựa vào những hồ sơ mà người dân cung cấp như: Biên bản họp thôn thể hiện việc chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp có thời hạn đến năm 2013, bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân,…nhận thấy có sự mập mờ từ phía chính quyền trong việc vận động nhân dân chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp có thời hạn. Chính quyền địa phương vào thời điểm đó đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và đưa ra những quyết định và thông tin thiếu minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Vì sao nhiều doanh nghiệp bị người dân đòi đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO