CTCP Dược phẩm Pharmacity vừa thông tin về mức lỗ hơn 194 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, con số này tăng 59% so với cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity vừa có báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tham vọng của Pharmacity là hướng tới mục tiêu mở được 1.000 cửa hàng bán lẻ thuốc tây và thực phẩm chức năng trên toàn quốc vào năm 2021.
Như vậy, doanh nghiệp này sẽ phải tăng trung bình 271 cửa hàng/năm để đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, mục tiêu của Pharmacity sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Bởi lĩnh vực bán lẻ dược phẩm đã và đang thu hút khá nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, như chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động (MWG) hay nhà thuốc Long Châu của FPT Retail (FRT).
Ngoài ra, một số chỉ tiêu tài chính phần nào cho thấy doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Pharmacity vừa báo lỗ 265 tỷ đồng trong năm 2019. Quy mô vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm ngoái cũng chỉ ở mức 163 tỷ đồng.
Dù Pharmacity vẫn đang trong quá trình đẩy mạnh mở rộng các cửa hàng, việc báo lỗ hay chấp nhận lỗ là điều có thể hiểu được. Song, các con số nêu trên vẫn rất đáng lưu ý nếu biết rằng, cập nhật đến ngày 30/12/2019, quy mô vốn điều lệ của Pharmacity ở mức gần 386,4 tỷ đồng.
Tạm tính, Pharmacity đã “đốt” của các cổ đông gần 60% số vốn góp dù còn cách khá xa mục tiêu 1.000 cửa hàng. Việc huy động thêm từ nguồn vốn vay nhiều khả năng cũng gặp khó khăn, bởi lẽ, tính đến cuối năm 2019, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Pharmacity đã khá cao, ở mức 3 lần.
Mức lỗ của Pharmacity tăng dần theo việc mở rộng quy mô, doanh thu 2019 lên tới 966 tỷ đồng, gấp gần 8 lần năm 2016. Lỗ lũy kế của chuỗi nhà thuốc này tính đến cuối năm ngoái ghi nhận 591 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp của Pharmacity ở mức tương đối cao nếu đặt trong ngành bán lẻ, từ 24% - 25%. Tuy vậy chi phí cho thuê mặt bằng, quản lý và nhân công có lẽ là những yếu tố quan trọng nhất quyết định tính hiệu quả.
Chuỗi nhà thuốc này đang muốn tận dụng cơ hội bứt tốc tạo khoảng cách đáng kể so với các đối thủ, trong bối cảnh cú sốc kinh tế đến từ đại dịch COVID-19. Một thuận lợi từ sự kiện này chính là giá thuê mặt bằng giảm do sụt giảm nhu cầu, nhiều đơn vị kinh doanh đã không thể cầm cự được trong khó khăn. Pharmacity đã mở mới 225 cửa hàng tính từ đầu năm.
Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình chuỗi cửa hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do thị trường phân mảng, thói quen tiêu dùng cũ của đại đa số người dân và đặc biệt là tạo cuộc cạnh tranh về giá với các hiệu thuốc nhỏ lẻ, khi mà các cửa hàng này thường nhập từ nơi không chính thống như chợ thuốc, nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ.
Được biết, trong năm 2019, Pharmacity đã huy động được 150 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 2 năm từ 3 đợt phát hành.
Cả 3 lô trái phiếu đều có mục đích sử dụng vốn là mở rộng mạng lưới bán lẻ. Trong đó, các lô phát hành vào tháng 10 và 11 được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán SSI, có mức lãi suất là 13%/năm. Trái chủ là các nhà đầu tư cá nhân trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, trong tháng 5/2019, Quỹ Mekong Enterprise Fund III đã có thông báo về việc cam kết hỗ trợ tài chính cho Pharmacity nhưng không cho biết cụ thể quỹ đầu tư sẽ “hỗ trợ” thông qua việc góp vốn hay tài trợ tín dụng.
Tới đầu năm 2020, truyền thông trong nước cho biết Pharmacity đã gọi vốn thành công gần 31,8 triệu USD (tương đương 730 tỷ đồng) và đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng trong năm nay. Đây sẽ là nguồn vốn bổ sung quan trọng, bởi việc huy động vốn của Pharmacity thông qua kênh trái phiếu sẽ khó có thể “thoải mái” như trước.
Có thể bạn quan tâm