Trước động thái khó lường của Fed, nếu Việt Nam không thể giảm lãi suất điều hành thì nên giữ nguyên nền lãi suất hiện tại, giúp chúng ta vẫn có điều kiện để giảm lãi suất đầu ra.
>>Kỳ vọng NHNN thận trọng hơn trong đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo
Các số liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng thấp hơn so với dự báo. Cụ thể, CPI tổng thể tháng 7 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo của thị trường.
Chỉ số CPI lõi loại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng cũng nằm dưới mức dự báo. Đóng góp chủ yếu cho mức tăng của tháng 7 thuộc về chi phí chỗ ở như thuê mua nhà. Đây được xem là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ sớm dừng tăng lãi suất trong thời gian tới.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, các quan chức Fed cho biết sẽ tùy thuộc vào số liệu cụ thể khi cân nhắc đưa ra các quyết định về lãi suất tiếp theo, đảm bảo cân bằng giữa việc giảm lạm phát và tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Trong một phát biểu vào cuối tuần qua, Thống đốc Fed - Michelle Bowman đã nói, Fed có thể cần tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.
Các quan chức trên ủng hộ việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng trước và nhận định việc tiếp tục tăng có thể là cần thiết, để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Nhìn một cách toàn diện, mức 3,2% tăng trưởng CPI của Mỹ đến thời điểm này, nếu so với thị trường đánh giá là 3,3% thì cũng gần mức kỳ vọng, nhưng so với mục tiêu là 2% của Fed thì vẫn còn khá xa. Vì vậy, mọi người quan tâm khá nhiều đến câu chuyện Fed sẽ tiếp tục tăng hay giảm, hay giữ nguyên lãi suất.
Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cao tại Mỹ sẽ vẫn duy trì và sức ép đối với các thị trường, các quốc gia khác còn lớn. Các ngân hàng trung ương trên thế giới trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải tiếp tục theo dõi một cách sát sao biến số này.
Đối với thị trường chứng khoán, trong giai đoạn ngắn hạn 6 - 8 tháng đầu năm, khi lãi suất tăng nhưng các thị trường trọng điểm đều tăng trưởng, kể cả Mỹ, EU cho đến những quốc gia có chính sách tiền tệ nới lỏng như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,... điều này cho thấy mặc dù kỳ vọng thực tế dẫn đến câu chuyện lãi suất tiếp tục tăng, song thị trường chứng khoán vẫn có sự bứt phá trở lại.
Nếu theo dõi quan điểm thị trường, quan điểm của giới phân tích về việc Fed có tiếp tục tăng lãi suất hay không trước các chỉ số về lạm phát được công bố, có 11% tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 9 và 89% còn lại cho rằng Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại.
>>Còn dư địa giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2% một năm
Mới đây, chúng tôi cũng đã xem lại các yếu tố thị trường cũng như danh mục đầu tư, trong đó có một điểm cần chú ý đó là, từ nay đến kỳ họp tiếp theo của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) vào ngày 20/9 còn 40 ngày nữa; thì việc có tăng lãi suất hay không là chưa thể dự báo, vì trong khoảng thời gian này vẫn còn quá nhiều biến số có thể xảy ra.
Nếu xét về chỉ số CPI, còn phải chờ công bố CPI tháng 8, khi đó mới gần hơn đến câu chuyện tăng - giảm lãi suất của Fed. Với xu hướng giới đầu tư kỳ vọng Fed giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tới, nhưng việc CPI lõi là 4,7% trong khi mục tiêu của Fed là 2%, thì việc Fed tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất cao là đương nhiên và ít nhất phải đến tháng 3, tháng 4 sang năm mới có khả năng giảm lãi suất. Do đó, trong một khoảng thời gian khá dài mà mọi thứ trên thị trường biến động quá nhanh, thì không thể có tầm nhìn 6 tháng, 9 tháng đến một năm ngay lập tức.
Về tác động đối với Việt Nam, chúng ta phải đánh giá những yếu tố sắp tới diễn biến ra sao trên thị trường toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng, cụ thể: Thứ nhất, tỷ giá dự kiến sẽ ổn định và nếu tăng thì sẽ tăng nhẹ trong phạm vi cho phép, đâu đó khoảng 1% nếu chúng ta đang kỳ vọng tỷ giá tăng.
Thứ hai, chỉ số lạm phát của Việt Nam trong bối cảnh Mỹ tiếp tục tăng lãi suất thì sức ép với Việt Nam sẽ rất lớn. Đặc biệt, nền giá xăng dầu bắt đầu từ quý 4/2022 ở mức thấp nên giá xăng dầu từ tháng 10/2023 tới tăng, sẽ lan truyền đến giá hàng hóa khác, ngay cả khi chúng ta đã áp dụng các chính sách tài khóa hỗ trợ như giảm thuế VAT kích thích tiêu dùng.
Thứ ba, về dư địa hạ lãi suất, trên quan điểm của tôi không phải chúng ta có dư địa hay không, mà là Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục theo dõi các diễn biến trên thị trường chặt chẽ để có sự linh hoạt thích ứng kịp thời.
Từ góc nhìn thị trường, nếu Việt Nam không thể giảm lãi suất điều hành thì nên giữ nguyên. Bởi vì khi giữ nguyên nền lãi suất hiện tại, chúng ta vẫn có cơ sở để giảm lãi suất huy động (lãi suất huy động kỳ hạn ngắn đang có xu hướng giảm rõ nét) và từ đó giảm giá vốn cho ngân hàng, tạo điều kiện giảm lãi suất đầu ra.
Còn nếu Việt Nam giảm lãi suất điều hành một cách vội vàng, không theo dõi kỹ các diễn biến trên thị trường, mà sau đó Fed lại tiếp tục tăng lãi suất khiến chúng ta phải tăng theo, thì yếu tố tâm lý thị trường sẽ xấu hơn rất nhiều. Khi đó, nó đưa ra một thông điệp đó là chính sách tiền tệ không còn nới lỏng. Vì vậy tôi cho rằng, tới đây Ngân hàng Nhà nước có giảm lãi suất, sẽ phải cân nhắc, theo dõi các biến số trên thị trường một cách kỹ lưỡng.
Có thể bạn quan tâm
05:03, 08/08/2023
03:30, 07/08/2023
16:20, 06/08/2023
20:38, 03/08/2023
05:05, 03/08/2023