Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có báo cáo về kết quả công tác vận hành khai thác các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý trong quý II/2018.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phục vụ thông suốt 20,18 triệu lượt phương tiện (chưa kể 353.000 phương tiện miễn phí), tăng 10%; doanh thu tăng 15% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, liên tiếp nhiều tháng, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giữ vị trí dẫn đầu khi đưa đón hơn 7,6 triệu lượt phương tiện; xếp ngay sau là tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây khi có xấp xỉ 7,2 triệu lượt phương tiện thông qua. Cũng trong khoảng thời gian trên, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tiếp nhận gần 5 triệu lượt phương tiện.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 10/05/2018
10:38, 06/09/2016
14:44, 17/08/2016
09:57, 12/07/2016
Trước đó, VEC từng đề xuất nhượng quyền có thời hạn quyền khai thác các dự án đường cao tốc do đơn vị này quản lý, đầu tiên là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Theo lãnh đạo VEC, việc nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc là đặc thù, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, VEC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ thí điểm giao VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc.
Nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng 3 tiêu chí: có kinh nghiệm đầu tư các dự án nhượng quyền cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; có năng lực về tài chính; có năng lực về vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc.
VEC tính toán giá trị nhượng quyền khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có thời hạn 30 năm, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư là 14% và lãi vay ngân hàng 8,5%, giá trị VEC nhận được từ nhượng quyền ước tính khoảng 9.171 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí về VEC “bội thu” nhờ thu phí các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, doanh thu tại các trạm thu phí có thể lên hoặc xuống theo ngày vì thế, VEC có bội thu thì cũng không có gì đáng phải ngạc nhiên.
Liên quan tới việc điều chỉnh phương án tài chính, ông Huyện cho biết, nếu quyết toán hàng năm cho thấy, doanh thu của doanh nghiệp tăng liên tục từ 10% trở lên thì sẽ có phương án điều chỉnh thời gian thu phí. Còn báo cáo doanh thu tăng thêm không liên quan đến đề xuất muốn nhượng quyền có thời hạn quyền khai thác cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình của VEC.
“VEC có quyền đề xuất bán lại quyền khai thác, nhưng phải báo cáo Bộ”, ông Huyện nhấn mạnh.
Bình luận về phương án nhượng quyền khai thác dự án cáo tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông - đô thị, cho rằng phải thận trọng nếu không sẽ bị "hớ". Vì việc nhượng lại quyền khai thác chỉ xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, nhưng nếu doanh nghiệp báo lãi mà vẫn muốn bán lại thì không khác nào "mua đi - bán lại" giống như kinh doanh bất động sản là không ổn.
TS Phạm Sanh thẳng thắn, VEC đang là DNNN, trong khi khung pháp lý về vấn đề nhượng quyền khai thác dự án hạ tầng của Việt Nam còn thiếu và chưa rõ ràng, do đó nhượng quyền không khéo trở thành chuyện để các bên mua bán, chuyển nhượng cho nhau, chuyển nhượng cho đối tác sân sau, làm lợi cho lợi ích nhóm... Khi đó, chuyển nhượng trạm thu phí có nguy cơ trở thành quả bóng tham nhũng lớn, rất nguy hiểm. Mặt khác, ngay cả vấn đề về kiểm soát, giám sát tổng mức đầu tư, mức thu cũng không rõ nên phải thận trọng với phương án đề xuất bán quyền khai thác mà VEC đề xuất.
“Với một dự án đang báo lãi mà muốn bán lại là bất bình thường, cần phải xem xét rất thận trọng”, TS Phạm Sanh cảnh báo.