Tháng 10, thị trường chứng khoán sẽ chịu nhiều áp lực

Theo TINNHANHCHUNGKHOAN 28/09/2020 11:00

Giá cổ phiếu đã tăng trong thời gian khá dài, phân tích kỹ thuật phát đi một số tín hiệu cảnh báo là các yếu tố cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) trong tháng 10 sẽ chịu nhiều áp lực.

Chỉ rung lắc, chưa điều chỉnh

Sau khi phản ứng với đợt lây nhiễm Covid-19 thứ hai bùng phát, TTCK bắt đầu chuỗi ngày hồi phục với xu hướng tăng điểm trên diện rộng ở nhiều cổ phiếu. Dịch bệnh đã sớm được kiểm soát cộng với nhà đầu tư trong nước quen dần với khả năng dịch bệnh có thể sẽ kéo dài nên tâm lý thị trường khá vững.

Kể từ đáy ngắn hạn ngày 27/7 tới 25/9, chỉ số VN-Index tăng 16,2%, lên 912,5 điểm và chỉ số VN30 tăng 17,6%, lên 858,3 điểm. Đóng góp lớn nhất cho mức tăng điểm của các chỉ số trong giai đoạn hồi phục vừa qua chủ yếu là nhóm cổ phiếu trụ.

Cụ thể, VNM đóng góp gần 9,3 điểm số cho thị trường, VIC đóng góp 6,6 điểm, VCB đóng góp 4,9 điểm, “tân binh” BCM đóng góp 4,6 điểm, CTG đóng góp 4,4 điểm… Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu giảm giá không đáng kể, đóng góp tiêu cực nhất là VIS cũng chỉ làm giảm 0,05 điểm.

Thị trường trong nước được hỗ trợ bởi thị trường toàn cầu có diễn biến khả quan, một số thị trường lớn “rung lắc” là do có mức tăng mạnh trước đó.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 mặc dù tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia nhưng các gói kích thích kinh tế trị giá hàng ngàn tỷ USD khiến thị trường có cơ hội đón nhận một phần dòng vốn giá rẻ.

Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư mới cùng một bộ phận nhà đầu tư bỏ lỡ nhịp sóng tháng 4 đã tích cực tham gia thị trường.

VN-Index bật tăng mạnh sau khi bị bán tháo dưới tác động bởi đợt dịch bệnh lần thứ nhất, nên giới đầu tư đã tỏ ra tham lam hơn là sợ hãi khi có cơ hội bắt đáy thị trường trước đợt bùng phát dịch thứ hai. Và thực tế, mức tăng điểm của thị trường phần nào đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư.

Tháng 10, thị trường chứng khoán sẽ chịu nhiều áp lực ảnh 1

Chuỗi ngày tăng điểm của thị trường được kéo dài khi dòng tiền luân chuyển rất nhanh giữa cổ phiếu các nhóm, ngành hay có tin đồn.

Mặc dù TTCK Mỹ điều chỉnh mạnh, nhưng tâm lý thị trường trong nước khá vững thể hiện thị trường chỉ rung lắc chứ chưa điều chỉnh.

Dòng tiền vẫn đẩy một số cổ phiếu có tin hỗ trợ như STB, PDR, LDG, LPB, TCB, hay cổ phiếu ít rủi ro giảm do đã tích luỹ kỹ thuật nhiều phiên như HBC, MBG… tăng cao hơn.

Phân tích kỹ thuật báo hiệu rủi ro

Sau đợt tăng điểm kể từ đầu tháng 8 đến nay, các chỉ số và cổ phiếu tiến vào những vùng giá cao hơn, gần sát với vùng giá quá mua và nhiều cổ phiếu đã đi vào vùng quá mua khi nhìn vào biểu đồ phân tích kỹ thuật, khiến rủi ro của thị trường gia tăng.

Áp dụng lý thuyết xác suất thống kê, mỗi giai đoạn thị trường tương ứng với một mặt bằng giá chứng khoán khác nhau sẽ có xác suất tăng giá khác nhau.

Giai đoạn đầu của sóng tăng, khi dòng tiền mới tham gia, thanh khoản tăng và mặt bằng giá chứng khoán chưa tăng, xác suất tăng giá sẽ cao.

Khi mặt bằng giá chứng khoán tăng lên, xác suất cổ phiếu tiếp tục tăng sẽ giảm. Tuy nhiên, có những giai đoạn thị trường tăng giá kéo dài, nhất là khi nhiều nhà đầu tư hưng phấn, lạc quan, kỳ vọng vào tương lai. Diễn biến thị trường hiện nay mang nhiều đặc điểm này.

Mức tăng điểm của TTCK Việt Nam từ đầu tháng 4 đến nay là thấp so với thế giới, nhưng theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index và VN30 bắt đầu phát đi một số tín hiệu cảnh báo.

Thứ nhất, các chỉ số giao dịch vùng quá mua (RSI>70) kéo dài từ ngày 1/9 tới 23/9. Về cơ bản, mặt bằng giá chứng khoán tăng không đáng kể, chủ yếu giao dịch trong biên độ hẹp.

Thứ hai, chỉ số RSI phân kỳ âm khi giá chứng khoán có xu hướng tăng nhẹ và hướng lên. Thông thường, RSI phân kỳ âm không ngụ ý thị trường sẽ giảm ngay, nhưng là tín hiệu đảo chiều và kết thúc một chu kỳ sóng tăng trong thời gian không xa.

Thứ ba, vùng 900 - 915 điểm gần đây của VN-Index tương ứng với vùng kháng cự mạnh của thị trường giai đoạn năm 2018 do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng như vùng đỉnh ngắn hạn năm 2020 trong tháng 6.

Với những tín hiệu thị trường hiện tại, khả năng chỉ số tiếp tục tăng điểm là không dễ dàng, cần nhiều thời gian để kiểm chứng vùng 900 - 915 điểm.

Tháng 10, thị trường chứng khoán sẽ chịu nhiều áp lực ảnh 2

Diễn biến của TTCK tháng 10 hàng năm thường phản ánh thông tin công bố kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp, giúp dự báo khả năng thực hiện kế hoạch cả năm.

Quý III năm nay, những ngành có kết quả kinh doanh khả quan đã được ước đoán sớm và tin tốt đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Vì thế, với những cổ phiếu đã tăng vào vùng quá mua có thể giảm khi tin tốt được công bố theo kinh nghiệm "mua khi tin đồn, bán khi tin được công bố chính thức".

Ngược lại, với không ít doanh nghiệp bị tác động bất lợi vì dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại vào cuối tháng 7, nếu doanh thu, lợi nhuận được công bố suy giảm thì nhiều khả năng vẫn tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.

Khi một số thị trường lớn trên thế giới như Mỹ chưa kết thúc nhịp điều chỉnh thì rất có thể tháng 10, TTCK Việt Nam chịu tác động cả từ nội tại khi phân tích kỹ thuật cho thấy dấu hiệu điều chỉnh và tác động tâm lý từ TTCK lớn.

Thanh khoản tăng mạnh là tín hiệu tích cực

Sau khi VN-Index đạt 1.200 điểm trong tháng 4/2018 đến nay thì vùng 1.000 - 1.020 điểm mới gọi là kháng cự mạnh, chứ không phải mốc 900 - 915 điểm - đây chỉ là ngưỡng tâm lý.

Ông Lê Đức Khánh , Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS.

Ông Lê Đức Khánh , Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS.

Ngay cả giai đoạn thị trường bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2019, hoặc điều chỉnh sau khi TTCK tăng nóng năm 2018, thì đôi lúc thị trường giảm sâu dưới mốc 900 điểm nhưng ngay sau đó lại tăng tốc vượt qua.

Năm nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng TTCK vẫn quay ngược trở lại. Bất chấp khối ngoại bán ròng, thanh khoản trên TTCK tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2018 - 2019. Thị trường hiện vẫn có dư địa tăng. Chỉ báo độ rộng của thị trường cũng như số lượng cổ phiếu vượt đỉnh mới giai đoạn gần đây khiến nhà đầu tư có cảm giác thị trường đang diễn biến tích cực.

Tuy nhiên, thị trường Mỹ điều chỉnh mạnh trong tuần vừa qua và đại dịch Covid-19 tiếp tục đe dọa triển vọng kinh tế thế giới là yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu ý. Báo cáo của Morgan Stanley và Fitch mới đây đều nhận định, GDP thế giới có thể tăng trưởng âm 4,4 - 4,6% trong năm 2020. Việt Nam có thể tự tin GDP sẽ tăng trưởng dương, nhưng TTCK cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng khi triển vọng thị trường toàn cầu xấu đi.

Có thể bạn quan tâm

  • Dòng tiền đầu tư cuối năm đổ vào chứng khoán hay bất động sản?

    Dòng tiền đầu tư cuối năm đổ vào chứng khoán hay bất động sản?

    11:30, 28/09/2020

  • Giao dịch chứng khoán: Sôi sục dòng chảy vốn nội

    Giao dịch chứng khoán: Sôi sục dòng chảy vốn nội

    15:00, 25/09/2020

  • Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp được nâng hạng?

    Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp được nâng hạng?

    11:30, 23/09/2020

  • “Thay máu” nhà đầu tư chứng khoán

    “Thay máu” nhà đầu tư chứng khoán

    11:30, 20/09/2020

  • Chứng khoán toàn cầu sẽ ra sao sau tuyên bố mới của FED?

    Chứng khoán toàn cầu sẽ ra sao sau tuyên bố mới của FED?

    04:00, 18/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tháng 10, thị trường chứng khoán sẽ chịu nhiều áp lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO