Bởi đi trước thời cuộc nên cuộc đời của “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn là một chuỗi những bi kịch vào tù ra tội, bao nhiêu lần gây dựng cơ nghiệp là bấy nhiêu lần ông phải trắng tay vì có tư duy… làm giàu.
Có thể nói cuộc đời của "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn là một bi kịch lớn. Từng làm ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội, nhưng ông lại phải chịu những “cú vấp” bởi dám đi trước thời cuộc. Cuốn tiểu thuyết "Vòng trầm luân oan nghiệt" nổi tiếng thời điểm bấy giờ của nhà văn Nguyễn Trần Thiết chính là phỏng tác cuộc đời ông.
Nhiều người cho rằng, nếu ra đời và lập nghiệp chậm lại vài chục năm, chắc “Vua lốp” sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt và những sản phẩm mà ông làm ra vẫn được người tiêu dùng đón nhận, thậm chí biết đâu còn có thể vươn xa hơn nữa. Giờ đây, ông "vua lốp" một thời nổi tiếng đất Hà thành những năm 1970 - 1980 đã vĩnh viễn rũ bỏ cõi đời chìm nổi, đầy bi kịch của một người "đi trước thời đại" …
Ông Chẩn vốn là một nông dân ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Vất vả cơ cực mà mãi vẫn nghèo túng, năm 1954 ông quyết bán ao rau muống, để lại một nửa số tiền cho vợ và đàn con, nửa còn lại ông mang ra Hà Nội tính kế làm giàu.
Lần đầu tới Hà Nội, Nguyễn Văn Chẩn không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm. Đường sá không biết, nên sau khi xuống ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), ông cứ thuận chân mà đi. Đến phố Hàng Da, ông thấy một số cửa hàng bày bán và làm dép lốp (dép cao su) tại nhà. Ông Chẩn mê mẩn nhìn những người thợ lành nghề bóc từng chiếc lốp ô tô, rồi dùng dao thao tác như múa để gọt ra những chiếc dép lốp đều tăm tắp. Mải miết xem đến khi trời tối, ông vội tìm phòng trọ, rồi hôm sau quay lại nơi cũ để tiếp tục xem.
Sau vài ngày như thế, ông Chẩn rụt rè xin với chủ cửa hàng được làm chân phụ việc. Ban đầu người chủ không nhận, nhưng thấy cửa hàng cũng nhiều việc vặt nên rồi cũng đồng ý. Hằng ngày, ông Chẩn cần mẫn phụ việc không ngơi tay. Đến trưa, khi các người thợ ngả lưng, ông lại lặng lẽ cầm dao tập xén những mảnh cao su bỏ đi để học nghề. Sau nhiều ngày, thấy ông chăm chỉ lại ham học hỏi, người chủ thương tình mới dạy nghề cho. Vốn sáng ý lại khéo tay, nên không lâu sau “trình” của ông Chẩn đã ngang hàng với những người thợ lành nghề nhất của xưởng dép. Sau khi dành dụm được khoản vốn, ông Chẩn đã đưa vợ con lên Hà Nội để an tâm lập nghiệp.
Sau khi xin thôi việc để lập xưởng dép lốp riêng, ông Chẩn tiếp tục làm việc cật lực, tích cóp từng đồng kiếm được để nuôi khát vọng mở rộng sản xuất.Xưởng của ông ngày một phát triển, chất lượng dép cũng đảm bảo nên tiêu thụ được nhanh. Ban đầu, dép được bán khắp Hà Nội, sau được đưa tới một số tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... để tiêu thụ. Hàng sản xuất càng nhiều đồng nghĩa với nguyên liệu sản xuất cũng được đưa về nhiều hơn. Ngày ấy, người dân khu phố nơi gia đình ông Chẩn ở thường “tròn mắt” khi luôn thấy một lượng lớn lốp ô tô cũ được chuyển tới nhà ông. Trong những năm đầu của cơ chế bao cấp thời đó, khi mà chiếc lốp xe đạp cũng còn nằm trong mơ ước của đại đa số người dân, thì lượng lớn lốp ô tô chở về nhà ông Chẩn quả là chuyện lạ. Lời dị nghị cũng từ đó mà ra.
Rồi một ngày, khi có chồng lốp chất trong nhà ông đột ngột bị đổ khiến nhiều chiếc lốp lổm ngổm lăn ra hè đường thì biến cố xảy ra. Ngay hôm đó, một số cán bộ của Sở Tài chính Hà Nội đến nhà ông để kiểm đếm nguyên vật liệu, máy móc và tài sản của gia đình. Vài ngày sau, ông Chẩn choáng váng khi bản thân bị liệt vào danh sách... những tư sản mới nổi. Tài sản gia đình bị tịch thu toàn bộ, còn ông bị đi cải tạo. Trong thời gian bị giam giữ, ông Chẩn vẫn không hiểu tại sao một nông dân nghèo như ông, quanh năm làm việc quần quật, dè sẻn đến tận cùng việc chi tiêu để phát triển sản xuất mà bỗng chốc lại bị liệt vào tầng lớp tư sản?
Vài năm sau, ông Chẩn được ra tù. Trong thâm tâm, người nông dân mới thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn này quyết không trở lại nghề cũ nữa vì nó đã biến ông trở thành “tư sản dép lốp”. Nhưng phần lớn tài sản gia đình hiện không còn, nếu không làm thì lấy gì nuôi vợ con? Đang trăn trở với suy nghĩ trên, thì một người con bị hỏng bút máy xin ông mua cho chiếc khác. Ông bèn đến vài cửa hàng bách hóa nhưng không mua được loại bút Trường Sơn này vì thời đó đây là mặt hàng phân phối. Bí quá, ông phải mua bút tại “chợ đen” với giá cao.
Về nhà, nghĩ bực mình, ông bèn tháo tung chiếc bút, thấy chỉ có vài bộ phận đơn giản mà sao thị trường lại khan hiếm đến thế? Nghĩ mình có thể làm được những chiếc bút tương tự, ông bèn ra phố thuê thợ cơ khí làm cái khuôn, rồi mua nhựa phế thải về để mày mò cách làm. Sau vài tháng nghiên cứu, những chiếc bút máy không nhãn mác, nhưng chất lượng không thua bút Trường Sơn đã ra đời. Ông Chẩn mang một nắm bút ra Phòng Thủ công nghiệp quận Ba Đình đăng ký sản xuất. Những cán bộ ở đây bèn bơm mực vào từng chiếc bút, cẩn thận thử đi thử lại thấy đạt chất lượng nên cấp giấy phép. Từ đó, trên thị trường xuất hiện một loại bút mới giá rẻ, được bày bán khắp nơi. Hàng sản xuất lô nào bán hết lô đó khiến ông Chẩn giàu lên nhanh chóng.
Đang làm ăn phát đạt thì có vụ Z30, phòng tài chính quận Hoàn Kiếm đến khám nhà ông ở… quận Ba Đình, kiểm tra đăng ký sản xuất. Ông Chẩn trình giấy tờ đầy đủ nhưng vẫn bị tịch thu toàn bộ công cụ, nguyên liệu, sản phẩm. Ông kêu oan… Rồi công an Ba Đình kéo đến tịch thu toàn bộ mô-tơ, khuôn làm bút, vài tạ dép đứt quai, cao su, hàng ngàn chi tiết bút. Ông Chẩn bị xử tội tàng trữ và đầu cơ, sản xuất trái phép, bị xử 30 tháng tù giam. Ông vẫn kêu oan…
Sau Tòa án nhân dân tối cao xử phúc phẩm ngày 25/5/1972, tuyên ông chỉ phạm tội đầu cơ, chỉ cần phạt cảnh cáo và nộp phạt một trăm đồng. Thế hóa ra ông Chẩn bị tù oan hai năm rưỡi! Khuynh gia bại sản, ông phải đi móc củ sen, làm công nhân vệ sinh, ra đường sửa xe đạp rồi lại loay hoay tìm hướng đi mới…
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 1): Ly kỳ cuộc đời Bảy Phụng
04:30, 20/07/2020
Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 2): Cú “ngã ngựa” nơi “đất dữ”
04:50, 21/07/2020
Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 3): Sự “sụp đổ” bên bờ “ảo vọng”
04:50, 27/07/2020
Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 4): Người tử tù … đặc biệt
04:50, 03/08/2020
Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần cuối): Thoát án tử - Hiện thực hóa ước mơ
04:50, 06/08/2020