Những câu chuyện được họ trải lòng ngay trên bục diễn giả. Nỗi buồn, niềm vui, sự vất vả chịu đựng và những ý tưởng to tát từ khi manh nha cho đến ngày thành công…
Tất cả được những nữ doanh nhân thổ lộ. Họ kể về công cuộc kinh doanh cũng là kể về cuộc đời làm doanh nghiệp của mình. Những kinh nghiệm đã được những nhà doanh nghiệp ấy đúc kết để trả lời câu hỏi “lãnh đạo tạo đột phá” bằng cách nào? Câu trả lời chung nhất, đột phá - khởi nguồn từ chính bản thân mình!
Gần 500 nữ doanh nhân đã tham dự Diễn đàn HAWEE Leaders Forum 2019. Đây là hoạt động mở đầu cho “Hành trình Khởi tạo tư duy lãnh đạo mới” do HAWEE tổ chức trong thời gian 3 năm tới, gồm các sự kiện, chương trình, khóa học giúp các nữ lãnh đạo có cơ hội nhìn lại chính mình, hiểu hơn về thế mạnh lãnh đạo của bản thân, đồng thời cập nhật những kiến thức mới trong quản trị và điều hành hiện nay.
Là một nữ doanh nhân, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty PNJ hiểu hơn ai hết vai trò, những lợi thế và thách thức của một nữ doanh nhân. Bà cho biết: “HAWEE là nơi quy tụ những người lãnh đạo và các chuyên gia cùng nhau vạch ra con đường phát triển thế hệ lãnh đạo toàn diện. Đó là những hình mẫu lãnh đạo mà bên ngoài có khả năng dẫn dắt thay đổi, xây dựng đội ngũ, cải tiến và tạo kết quả, còn bên trong thì giàu nội lực, sức bật và sự kiên trì để theo đuổi sứ mệnh".
Giá trị của sự kiên định
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch hội đồng TV Deloitte Việt Nam, là người phụ nữ duy nhất trong số 152 lãnh đạo quốc gia trên khắp thế giới của tập đoàn kiểm toán này. Bà được mệnh danh là “ người đàn bà thép” của làng kiểm toán. Bà Thanh đã lấy bằng MBA của đại học Hawai (Mỹ) và là người Việt Nam đầu tiên du học Mỹ ngành kiểm toán. Bà đã chia sẻ những vất vả, áp lực của phụ nữ khi theo đuổi công việc này.
“Những ngày tháng học và làm việc ở Arizona (Mỹ) đối với tôi không chỉ là kiến thức mà còn là những trải nghiệm về buồn thương. Với phụ nữ, không thể dễ dàng để ra một bên nỗi nhớ nhà, nhớ con. Công việc lúc đó ở Việt Nam cũng không tốt. Rất nhiều buổi chiều nhìn thăm thẳm về bờ Đông, tôi khóc. Và, lần đầu tiên trong đời tôi biết đến stress. Stress nặng đến mức đồng nghiệp phải khuyên tôi nhập viện. Thậm chí, sếp người Mỹ của tôi còn nói, Thanh - nếu muốn thì hãy đi về Việt Nam đi. Tất cả đều thấy tôi căng thẳng và phát bệnh.
Mỗi lần gọi điện về, câu trước con nói, mẹ ơi con nhớ mẹ lắm, câu sau lại nói, mẹ cố gắng nhé. Đây là nỗ lực tột cùng. Và tôi nhận ra trong sự nỗ lực của mình sự kiên định. Bám vào, víu vào để đến hôm nay tôi tự hào là một người làm nghề tốt, là một người mẹ tốt, vượt qua khó khăn để trưởng thành”. - Bà Thanh trải lòng.
Sự kiên định của bà Thanh đã trở thành một triết lý kinh doanh. Năm 1998, khi bà làm giám đốc Công ty kiểm toán Việt Nam, bà đã kiên định thực hiện một chủ trương kéo dài cho đến 10 năm. Đó là chủ trương đưa nhân viên đi du học, đặc biệt là du học ở Mỹ. Hồi đó đưa người đi nước ngoài học rất khó khăn, khó cả tiền, cả thủ tục, chi phí lên đến 1 tỷ/người/năm. Trong số những người được đưa đi học có những người ko bao giờ về, họ trở thành Việt kiều, có những người về nhưng không làm nghề với VACO nữa.
Vô cùng áp lực. Bà kể: “Nhiều người nói với tôi, số tiền đó nên bỏ ra thuê chuyên gia nước ngoài về làm. Nhưng lương 1 chuyên gia nước ngoài bằng 10 người lãnh đạo Việt, và bằng đến 50-60 nhân viên Việt Nam. Và tôi quyết định vẫn theo đuổi chương trình quốc tế hóa đội ngũ nhân viên”.
Thời gian đã chứng minh chương trình đó của bà là đúng. Kiên trì theo đuổi mục đích để tạo ra những giá trị, đó chính là vượt qua rào cản thách thức, đó chính là sự kiên định, lúc này sự kiên định không còn nằm trong nội lực nữa mà đã thành kỹ năng. Sự kiên định tạo ra giá trị. Để đến hôm nay, Deloitte Việt Nam có đội ngũ lãnh đạo được đào tạo ở Mỹ nhiều nhất trong các công ty kiểm toán và tư vấn tại Việt Nam. Bởi 10 năm kiên trì đầu tư, có thứ rơi ra, có thứ mất đi nhưng trên hết nó là niềm tin của những con người Việt Nam có thể làm được những ngành nghề như kiểm toán, tư vấn theo chuẩn mực quốc tế , giá trị quốc tế, đẳng cấp quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
06:22, 08/03/2019
05:00, 08/03/2019
06:33, 05/03/2019
09:54, 03/03/2019
19:07, 02/03/2019
00:14, 31/01/2019
06:23, 25/01/2019
Vì sao người khác muốn được ta lãnh đạo?
Đây là câu trả lời của bà Huỳnh Xuân Liên - Tổng giám đốc Pessi Co. Bà cho rằng: "Lãnh đạo muốn truyền cảm hứng cho người khác trước tiên phải truyền được cảm hứng cho chính mình. Muốn người khác tin vào điều mình nói thì lãnh đạo phải tin vào những điều mình đang nói. Chúng ta muốn người khác tôn trọng mình thì trước tiên mình phải tôn trọng mình".
Và bà đưa ra 7 “bí quyết” bà luôn luôn thực hiện. Đó là: Quản trị chính thân tâm, quản trị cảm xúc. Đặt mình vào vị trí người khác. Xắn tay áo lên làm, không than thân trách phận. Nhìn nhận vấn đề đúng như nó vốn có, không bị ảnh hưởng bởi xúc cảm cá nhân. Luôn nghĩ tích cực về mọi vấn đề. Luôn biết mình muốn gì. Không buông bỏ lúc đang khó khăn chán chường.
Đến từ công ty Tài Nguyên Seafood, bà Phan Thị Tuyết Mai đã kể câu chuyện về hành trình “thay áo” cho cá basa của mình.
Năm 2008, ở châu Âu có những nhà sản xuất nuôi cá, lúc đó Việt Nam xuất rất nhiều cá da trơn, chiếm lĩnh thị trường châu Âu và Mỹ. Một số thông tin xấu bắt đầu nhen nhóm, họ nói rằng cá tra của Việt Nam được nuôi trong ao tù nước đọng, cho ăn thức ăn bẩn. Đỉnh điểm là họ làm nguyên chiến dịch bôi nhọ cá tra của Việt Nam ở châu Âu. Cá tra rớt giá thảm hại.
Phải làm thế nào để thay đổi bộ mặt của con cá tra, khoác cho con cá tra chiếc áo mới. Sự thay đổi này có chủ đích. "Lúc đó tôi gặp được 1 tiến sỹ người Pháp, ông chia sẻ một ý nhỏ thôi, hãy thay đổi từ thức ăn nuôi cá. Thứ thức ăn từ thiên nhiên giàu omega3 có thể giúp thay đổi hàm lượng omega3. Tôi nắm bắt ý tưởng đó và trở thành leader cho mục tiêu này. Rất nhiều khó khăn không chỉ đến từ bài toán của vấn đề khoa học kỹ thuật. Tôi và các cộng sự đã vượt qua. Đến ngày 26/9/2008, 15 ngàn tấn cá tra giàu omega3 đầu tiên được xuất. Và tháng 1/2009 công ty SEAfood nhận cúp vàng về chất lượng tại Pari. Như vậy việc sáng tạo này đã thay đổi được diện mạo mới cho cá tra, tôi cùng với các nhà sản xuất cá tra Việt Nam làm nên kỳ tích đánh bại truyền thông tiêu cực…" - bà Tuyết Mai chia sẻ.
Tại diễn đàn còn khá nhiều câu chuyện của những nữ doanh nhân tưởng chừng không thể vượt lên chính mình, nhưng mỗi khi đã dấn thân vào thương trường, thì không thể gục ngã. Bà Cao Thị Dung chia sẻ thêm: "Tôi muốn không chỉ giới nữ doanh nhân, mà là phụ nữ nói chung biết khơi thông sức mạnh nội lực của mình. Phải nhìn thẳng vào chính mình, thay đổi chính mình, mới mong thay đổi doanh nghiệp, thay đổi đất nước, thay đổi thế giới".