Thanh Hóa: Bỏ trăm triệu để sang Hàn lao động “chui”

Kim Oanh 08/05/2019 11:30

Nhiều người Việt lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc bị trục xuất về nước. Nhưng nhiều người ôm mộng bỏ hàng trăm triệu chỉ để được làm việc “chui” tại xứ sở Kim Chi.

Thanh Hóa là tỉnh nằm trong top đầu cả nước về tình trạng lao động không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Điều này đã làm mất đi cơ hội việc làm của nhiều người và ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh này.

Do cường độ lao động cao nên một lao động đã ngủ gật trên công trình khi đang làm việc

Do cường độ lao động cao nên một lao động đã ngủ gật trên công trình khi đang làm việc

Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chính thức có công văn gửi UBND các địa phương việc ngừng tiếp nhận lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2019.

Trong  đó, Thanh Hóa có 2 huyện là Đông Sơn và Hoằng Hóa. Đây là hai địa phương đã bị Hàn Quốc cấm xuất khẩu lao động từ nhiều năm nay nhưng đâu là lý do hàng trăm người lao động vẫn bỏ cả trăm triệu cho cò môi giới để được lao động “chui” tại đây? Họ đi bằng cách nào? Và làm việc bên đấy ra sao? Những rủi ro nào đã đến với họ?.

Làm visa du lịch rồi chốn ở lại “lao động chui”

Trần Văn T (31 tuổi), quê xã ven biển Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) mặc dù đang làm hàn xì ổn định cho một xưởng cơ khí, với mức lương 9-11 triệu đồng/tháng nhưng khi nghe “cò” môi giới thủ thỉ, nói ngon ngọt sang Hàn lao động công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao gấp 4 đến 5 lần ở quê, T đã bỏ việc để tìm cách sang xứ sở Kim Chi với bao mộng đẹp.

Theo người môi giới, ban đầu, mỗi người lao động phải đóng lệ phí 100 triệu đồng cho một công ty ngoài Hà Nội để lo thủ tục, hồ sơ. Sau 10 ngày, sẽ tiếp tục nộp thêm 60 triệu đồng nữa để hoàn tất mọi thủ tục và đợi đến ngày lên đường. Đi theo hình thức làm visa đi du lịch, sang đến nơi sẽ “trốn” theo người dẫn đường đến công ty để làm việc “chui”, người lao động không cần phải học tiếng, không cần đào tạo nghề.

Lao động chui gặp phải nhiều rủi ro, phải tăng ca làm thêm giờ, chốn chui lủi sợ bị lực lượng chức năng phát hiên nên cuộc sống vô cùng vất vả

Lao động chui gặp phải nhiều rủi ro, phải tăng ca làm thêm giờ, sống chui lủi sợ bị lực lượng chức năng phát hiện

“Công ty hứa sang đấy không biết làm sẽ có người hướng dẫn, vài tháng đầu lương chỉ hơn 20 chục triệu, sau khi làm thành thạo, quen việc sẽ hưởng mức lương 40-45 triệu đồng/tháng”, T nói.

Hành trình để sang được xứ Hàn xinh đẹp không dễ dàng như những gì môi giới nói. Để có được số tiền đi Hàn, anh T đã phải xoay sở, chạy vạy hết nội ngoại, anh em bạn bè, thậm chí phải vay nóng để đủ tiền nộp. Nhưng T là người Hoằng Hóa, để thuận lợi T được công ty hướng dẫn đổi hộ khẩu sang huyện khác.

Tiền đã nộp đầy đủ nhưng hơn 2 tháng nay, T vẫn ăn trực nằm chờ đợi nhưng vẫn chưa thấy hồi âm của công ty. Cũng khá lo lắng nhưng nam thanh niên này tự trấn an mình và cho biết: “bạn bè ở xã Hoằng Thanh cũng đi theo hình thức này thành công, và giờ có lương ổn định, đã trả hết nợ, có tiền cho vợ con xây nhà. Công ty này uy tín lắm chắc trục trặc gì nên lâu tí thôi”.

Khác với T, anh Nguyễn Văn L (26 tuổi), quê xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa đã đi Hàn Quốc thành công với cách thức đi du lịch như trên. Nhưng không may mắn là anh L vừa sang làm việc được 3 tháng thì bị cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện cư trú bất hợp pháp và trục xuất về nước.

Ngậm đắng nuốt cay về nước, anh L phải loay hoay tìm kiếm đủ việc để có tiền trả số nợ hơn 200 triệu vay nóng của bạn bè cho lần xuất khẩu lao động trước.

Nhớ lại lần xuất cảnh khổ sở ấy, L kể: “Nhóm em đi 10 người, sang đến nơi chờ công việc công ty sắp xếp nhưng không có hồi âm. Nhiều lần liên hệ người môi giới và công ty thì đều nhận câu trả lời chỉ lo thủ tục sang đến Hàn Quốc là hết trách nhiệm, còn công việc phải tự đi xin. Lúc ấy, bọn em tá hỏa túa nhau ra tìm việc, hơn 10 ngày hết tiền phải ăn mì tôm qua ngày. Sau đó, em may mắn tìm được công việc hàn xì, đúng tay nghề của em, lương mỗi tháng cũng được 25 triệu đồng.

Những tưởng cứ thế làm 3 năm cũng đủ tiền trang trải, trả nợ rồi về nước. Nào ngờ mới được 3 tháng em bị phát hiện, tạm giữ và liên hệ đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc bàn giao, trục xuất về nước. Số tiền kiếm được cũng chỉ đủ chi phí đi đường. Giờ nợ nần chồng chất, không biết bao giờ em mới kiếm lại được”, L buồn bã nói.

Không chỉ có T, L mà rất nhiều thanh niên ở vùng quê nghèo này  đã nuôi  một giấc mơ đổi đời ở nơi rất xa, sẵn sàng bỏ vài trăm triệu để “thực hiện giấc mơ” ấy nhưng chính hình thức “làm việc chui” đã cướp đi hàng nghìn cơ hội, ước mơ thực sự của những người muốn được đi lao động hợp pháp.

Văn hóa lao động… đáng báo động?

Theo thống kê, năm 2018 Thanh Hóa có gần 1.300 lao động cư trú bát hợp pháp tại Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc cũng đã gia thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc theo chương trình EPS tại 5 huyện, thành phố là Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, Triệu Sơn và Nga Sơn.

Riêng năm 2019, theo công văn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội gửi UBND các địa phương việc ngừng tiếp nhận lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2019 thì tỉnh Thanh Hóa chỉ còn 2 huyện là Đông Sơn và Hoằng Hóa vẫn nằm trong danh sách tạm dựng tuyển chọn lao động sang Hàn.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc tỉnh Thanh Hóa luôn nằm trong top đầu cả nước về tình trạng lao động không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, cư trú bất hợp pháp là vì người lao động mới chỉ quan tâm đến lợi ích tiền bạc trước mắt mà không để tâm đến yếu tố văn hóa lao động, vì lợi ích chung. Nhiều trường hợp lao động “chui”, “nhảy” việc gặp phải những bất trắc, rủi ro trong quá trình mưu sinh không được hưởng bất kỳ sự trợ giúp nào từ cơ quan chức năng. Thậm chí có người phải đánh đổi bằng cả tính mạng nơi đất khách.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp về nước thì chính quyền cần nâng cao ý thức văn hóa cho người lao động trước khi họ xuất khẩu lao động

Ngoài việc tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp về nước thì chính quyền cần nâng cao ý thức văn hóa cho người lao động trước khi họ xuất khẩu lao động

Để giảm tỷ lệ lao động đang cư trú và làm việc bất hợp pháp xuống dưới mức cho phép của Chính phủ Hàn Quốc, tạo cơ hội cho những lao động khác có nhu cầu đi XKLĐ thị trường Hàn Quốc, tỉnh Thanh Hóa đã tuyên truyền, vận động lao động đang cư trú bất hợp pháp trở về nước đúng thời hạn.

Bên cạnh đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc áp dụng đối với lao động về nước đúng thời hạn và các biện pháp xử lý đối với lao động cư trú bất hợp pháp, lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng. Phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến hợp đồng lao động và ký quỹ tại ngân hàng chính sách xã hội để xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Theo dõi, cập nhật tình hình lao động gần hết hạn hợp đồng để phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động đưa con em về nước.

Trao đổi với DĐDN, ông Lê Đăng Thanh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cho biết: Nhằm tránh thiệt hại cho người lao động, ngay từ khâu đăng ký học tiếng Hàn, trung tâm đã khuyên lao động có hộ khẩu ở các huyện, thành phố bị tạm dừng tuyển không nên tham gia học với lý do vừa tốn tiền, thời gian, lại không được tham gia XKLĐ do chứng chỉ tiếng Hàn chỉ có giá trị trong 2 năm. Mặt khác, để tạo cơ hội việc làm cho lao động Hàn Quốc về nước theo chương trình EPS, Trung tâm dịch việc làm Thanh Hóa sẽ phối hợp tham gia hội chợ việc làm online với Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội. Dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7 tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội và sẽ kết nối phỏng vấn trực tuyến với Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa để người lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu phỏng vấn online.

Rõ ràng, việc các cơ quan chức năng làm hiện nay chỉ mới dừng lại ở tuyên truyền, giải quyết phần ngọn mà chưa đi sâu tận gốc rễ. Cần phải nâng cao chất lượng lao động, đào tạo một cách bài bản cho người lao động để khi sang nước bạn lao động người Việt không để lại ấn tượng xấu, ảnh hưởng đến quan hệ, hình ảnh của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh Hóa: Bỏ trăm triệu để sang Hàn lao động “chui”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO