Tại Hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cần làm rõ những khó khăn, hạn chế nội tại và cơ chế đặc thù cần tháo gỡ.
Đây là dự thảo lần thứ 2 của tỉnh Thanh Hóa, Đề án đã bổ sung thêm một số nội dung về sự cần thiết xây dựng Đề án. Làm rõ thêm một số nét nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng của tỉnh trong 10 năm qua. Đồng thời, Dự thảo Đề án cũng đã điều chỉnh, bổ sung các đề xuất, kiến nghị với Trung ương về cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới; bổ sung thêm các giải pháp về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…
Hội thảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với tỉnh Thanh Hóa, với mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về các quan điểm, cơ chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thảo luận, cho ý kiến đối với Dự thảo lần 2 của Đề án, các đại biểu bổ sung, làm rõ nội hàm 4 luận cứ chứng minh sự cần thiết xây dựng Đề án và ban hành nghị quyết gồm: Vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của tỉnh Thanh Hóa trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nêu lên vai trò, vị trí chiến lược quan trọng, lâu dài của tỉnh Thanh Hóa đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tổ quốc trong thời kỳ mới. Đồng thời khẳng định tỉnh Thanh Hóa có đầy đủ yếu tố, điều kiện để trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và cả nước, trong đó nhấn mạnh tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Nghi Sơn và lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông cho phép Thanh Hóa mở rộng kết nối với bên ngoài, gồm khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan. Dự thảo Đề án cũng đã nêu lên sự cần thiết xây dựng Đề án là xuất phát từ những khó khăn, hạn chế và đòi hỏi nội tại về phát triển của tỉnh, cần phải có cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết Thanh Hóa cần có một đề án riêng để phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng nhận thấy Thanh Hóa có những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển, có truyền thống lịch sử, cách mạng, bản sắc văn hóa rất rõ nét và là mảnh đất địa linh nhân kiệt.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định trong thời gian tới Thanh Hóa phát triển theo hướng công nghiệp, đây là hướng đi khả thi, đúng đắn. Tuy nhiên Thanh Hóa phải có bước đi, có lộ trình, có trọng tâm trọng điểm.
Hiện nay Thanh Hóa đã có Khu kinh tế Nghi Sơn, có nhà máy lọc hóa dầu, bước tiếp theo Thanh Hóa cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu nhằm tận dụng tối đa các sản phẩm từ lọc hóa dầu. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lên nhiều lần nữa.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học cũng nêu bật những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các hướng đi trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia cho rằng từ nay đến năm 2030 Thanh Hóa cần tập trung phát triển mạnh các ngành như lọc, hóa dầu (với trọng tâm là hóa dầu); cơ khí chế tạo; luyện kim; năng lượng; và một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu (Dệt may, Da giày, Điện tử...).
Ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu tổ biên tập cần nêu rõ 3 nội dung gồm: Một là Thanh Hóa có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh của đất nước. Hai là, Thanh Hóa có đầy đủ các yếu tố để trở thành một cực tăng trưởng kinh tế mới, một trong những trung tâm về văn hóa, xã hội, y tế, thể thao, du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Ba là cần nêu rõ những khó khăn, hạn chế nội tại của tỉnh và những vướng mắc về thể chế, từ đó đòi hỏi phải có những cơ chế đặc thù để tháo gỡ, khắc phục.
Trong giai đoạn 2010-2020, Thanh Hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng như đột phá về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân hàng năm ước đạt 10,3%/năm, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm ít các tỉnh dẫn đầu cả nước. Năm 2019, thu ngân sách của tỉnh đạt 23.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 28.967 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 11 cả nước.
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng có đột phá về thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 132 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 14,13 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước.
Có thể bạn quan tâm
22:36, 09/11/2018
10:30, 16/06/2020
11:43, 13/06/2020
20:11, 05/06/2020
20:31, 26/05/2020