Kinh tế địa phương

Thanh Hóa: Nhiều “quyết sách” về kinh tế giảm nghèo bền vững cho khu vực miền núi

Kiều Phiên 06/09/2024 10:9

Những năm qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án trọng tâm đưa khu vực miền núi phát triển, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những “quyết sách” chiến lược

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số diện mạo khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa ngày một khởi sắc.

Cùng với các chính sách phổ quát, bao trùm được triển khai trên diện rộng như Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, hướng đến các huyện miền núi khó khăn trên địa bàn.

bài 3
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao nhà đại đoàn kết cho người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tại huyện Thường Xuân

Điển hình trong đó phải kể đến Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa”, đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội 3 bản dân tộc Mông, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”; Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; Đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”…

Ngoài các chính sách riêng có, đã triển khai và mang lại nhiều kết quả tích cực kể trên, không thể không nhấn mạnh đến một chính sách có “then chốt”, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, từng bước đưa công cuộc giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa nói chung, khu vực miền núi nói riêng, cán đích các mục tiêu lớn. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”. Một quyết sách kéo dài 7 năm, thành quả đạt được có lẽ không thể ấn tượng hơn: Tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,8 lần bình quân chung toàn tỉnh (trong đó, riêng 7 huyện nghèo là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân tốc độ này cao gấp 2,2 lần bình quân chung toàn tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2013-2015 bình quân giảm 5,5%/năm (giảm 11.388 hộ) và giai đoạn 2016-2019 giảm 4,62%/năm (giảm 44.491 hộ). Thu nhập bình quân/người/năm đạt 33,1 triệu đồng năm 2020.

2030 không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn

Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững của nhiều giai đoạn trước; trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 kéo dài, nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo hết hiệu lực; ngay sau khi Trung ương phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia và chỉ đạo thành lập ở cấp huyện, cấp xã; phân công đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND “Về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở mục tiêu chung, tỉnh Thanh Hóa xác định các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025 từ 1,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm 3% trở lên; phấn đấu 30% huyện nghèo (huyện Thường Xuân, huyện Bá Thước), 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

nhu-xuan-thuc-hien-chuong-trinh-giam-ngheo-ben-vung-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-7-17224153721291049435363.jpg
Nhiều Đề án Chương trình phát triển kinh tế trong Chương trình giảm nghèo bền vững đã giúp được người dân các huyện miền núi phát huy được thế mạnh, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương

Tại huyện miền núi Thạch Thành có 2 dân tộc chủ yếu là Kinh, Mường, trong đó dân tộc Mường chiếm 54,1%. Những năm qua, KT-XH của huyện có nhiều phát triển, duy trì tăng trưởng khá, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Thạch Thành đang được tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung như hỗ trợ làm nhà ở, nước sinh hoạt phân tán cho hộ nghèo; các chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường giao thông đến khu trung tâm được cứng hóa đạt trên 90%; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 4,38%, số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS bình quân hàng năm giảm nhanh hơn mức bình quân chung toàn huyện.

Có thể khẳng định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình KT-XH của vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Những năm qua, cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ XDNTM, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng. Kết quả đầu tư các công trình hạ tầng KT-XH đã góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hóa đặc trưng của các dân tộc, các địa phương.

Hiện nay, 100% thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điện lưới quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp. Thiết chế văn hóa - thể thao, nhất là nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản tiếp tục được hoàn thiện. Tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%; tỷ lệ làng, thôn, bản, khu phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa đạt 74,6%. Lũy kế đến hết ngày 30/6/2024, 11 huyện miền núi có 68 xã, 691 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã và 58 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân đạt 13,83 tiêu chí/xã. Đã có 122 sản phẩm OCOP khu vực miền núi đạt 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các CTMTQG Thanh Hóa nhấn mạnh: “Bước vào giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở kế thừa những thành tựu, kết quả đạt được của nhiều giai đoạn trước nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo hết hiệu lực. Tỉnh Thanh Hóa được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất khu vực các huyện miền núi và các thôn bản đặc biệt khó khăn luôn được quan tâm hàng đầu. Chính vì điều này đã giúp Thanh Hóa đang trở thành “điểm sáng” của cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh Hóa: Nhiều “quyết sách” về kinh tế giảm nghèo bền vững cho khu vực miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO