Với nhiều cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư thông thoáng, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa được xem là điểm sáng của khu vực Bắc Trung Bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Đóng góp lớn từ doanh nghệp trong và ngoài nước
Thanh Hóa có dân số đông thứ 3 tại Việt Nam với hơn 3,6 triệu người, trong đó hơn 2,3 triệu người trong độ tuổi lao động nên nguồn nhân lực dồi dào đồng hành cùng các nhà đầu tư.
Là tỉnh được đánh giá có nhiều tiềm năng về vị trí địa lý, mạng lưới giao thông thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng Hàng không Thọ Xuân, đã có các tuyến bay nội địa đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước. Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo kết nối với Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và nhiều nước trong khối ASEAN. Cảng biển Nghi Sơn tiếp nhận tàu trọng tải lớn.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa ước đạt 15,16%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (trước đó, năm 2010 đạt cao nhất là 13,7%), gấp 2,23 lần mức trung bình cả nước, thuộc nhóm tăng cao hàng đầu của cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.990 USD. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân ước đạt 18,1% và là một trong số ít tỉnh, thành phố có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; thu ngân sách năm 2019 đạt 28.900 tỷ đồng và năm 2020 ước đạt 28.967 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015 và đứng thứ 11 cả nước.
Đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh là nhờ đầu tư của các DN trong và ngoài nước. Một trong những biểu tượng thành công trong thu hút đầu tư tại Thanh Hóa là dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam - Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư lên tới 9,3 tỷ USD đang hoạt động hiệu quả tại vùng ven biển Nghi Sơn.
Cũng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, nhiều công trình lớn đang hoạt động hiệu quả nhờ những nỗ lực thu hút đầu tư của các giai đoạn trước như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, các hệ thống cảng biển nước sâu…, và gần đây có Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đang xây dựng.
Theo thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp, giai đoạn từ năm 2016- 2020, đã có hơn 110 dự án mới được đầu tư vào khu kinh tế Nghi Sơn, gần 150 dự án khác đầu tư vào các KCN trong tỉnh.
Riêng năm 2020, mặc dù ảnh hưởn tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng Thanh Hóa đã thu hút và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 66 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1.852 tỷ đồng và 130,7 triệu USD, thuộc những tỉnh dẫn đầu “đường đua” thu hút đầu tư trong cả nước.
Ngoài tiềm năng về phát triển kinh tế, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Trong đó, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt... Thanh Hóa cũng có lợi thế lớn trong phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như: Du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh...
Để có được thành tựu to lớn như vậy, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn xác định phải đổi mới công tác thu hút đầu tư vào tỉnh. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đã được ban hành, đi vào thực tiễn. Đáng nói, việc thu hút các dự án không còn thụ động chờ các nhà đầu tư đến xúc tiến đầu tư, tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những chính sách thông thoáng khi đầu tư vào Thanh Hóa.
Xác định sự phát triển của tỉnh luôn gắn liền với sự phát triển ổn định của từng doanh nghiệp và của cả cộng đồng DN, tỉnh Thanh Hóa đã đặt mục tiêu quyết tâm trong công tác cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội thuận lợi cho các DN trong quá trình tìm hiểu, thực hiện các thủ tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ đó, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại chỗ, tiếp tục thực hiện giảm từ 30% đến 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định, đồng thời tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các chủ đầu tư.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện tốt phương châm “4 tăng” và “2 giảm” gồm: Tăng sự hài lòng của tổ chức và công dân, tăng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng trách nhiệm, tăng tính minh bạch; giảm chi phí và giảm thời gian giải quyết TTHC. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nguyên tắc “3 không”, gồm: Không phiền hà sách nhiễu, không bổ sung hồ sơ quá 1 lần và không trễ hẹn. Trên cơ sở đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương sẽ có các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả. Nhiệm vụ này đã nhận được sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Đặc biệt, khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa đi vào hoạt động đã có 1.566 TTHC được quy về một đầu mối giải quyết. Giúp kiểm soát được một cách toàn diện, bao quát việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đây được xem là cách làm mới trong việc thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, hướng tới nền hành chính phục vụ. Đồng thời, nâng cao năng lực, trách nhiệm của công chức chuyên môn về kỹ năng và thái độ phục vụ Nhân dân, thay đổi tác phong, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân và DN trong cách thức tiếp nhận dịch vụ công.
Cùng với các biện pháp trên, Thanh Hóa còn thường xuyên đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của lãnh đạo, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cùng với các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Từ đó đưa địa phương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong khu vực Bắc Trung Bộ, là trung tâm của vùng về công nghiệp, dịch vụ; tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững với những sản phẩm chủ lực chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm
Khoa học công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nền tảng cho phát triển kinh tế
08:18, 04/11/2020
Bà Bố Thị Xuân Linh - ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Hoàn thiện cơ chế phát triển kinh tế biển
11:31, 04/11/2020
ĐBQD Tăng Thị Ngọc Mai - Đoàn Trà Vinh: Mong muốn có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn
17:27, 05/11/2020
Ông Cao Đình Thưởng - ĐBQH tỉnh Phú Thọ: Cần bổ sung 3 kịch bản trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021
15:08, 03/11/2020