Đạt được nhiều kết quả trong thu hút đầu tư vốn ngoại (FDI), tỉnh Thanh Hóa đang chứng minh được năng lực xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế.
Một trong 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đó là: "Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, nhất là năng lực thực thi và khả năng thích ứng của địa phương, doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới". Với tinh thần ấy, tỉnh Thanh Hóa đã phổ biến, quán triệt chủ trương xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, từ đó đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đưa Thanh Hoá phát triển nhanh, bền vững.
Thanh Hoá hiện trên đà phát triển với tốc độ thành lập doanh nghiệp mới và thu hút đầu tư nước ngoài nằm trong top đầu cả nước. Với một hệ sinh thái sản phẩm công nghiệp hàng hoá đa dạng, tỉnh đang tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng: kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu. Khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo bước đột phá trong phát triển giúp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Nhất là phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế để tạo ra tăng trưởng đột phá cho ngành công nghiệp và kinh tế của tỉnh.
Để chủ động hội nhập kinh tế, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hoá không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp đã khai thác tốt lợi thế của tỉnh và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 5,06 tỷ USD, gấp 1,37 lần năm 2020.
Trong năm 2024 tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh toàn diện công tác thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn để thu hút đầu tư vào tỉnh và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Cùng với đó, đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Australia và New Zealand. Sau các chuyến đi thăm và làm việc, các nhà đầu tư có tiềm lực lớn trên thế giới quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hoá ngày càng nhiều. Quan hệ giữa tỉnh Thanh Hoá với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn ngày càng được củng cố, mở rộng. Vị thế và uy tín của tỉnh trong việc thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được nâng lên. Minh chứng là Thanh Hoá đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và luôn là tỉnh dẫn đầu Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Tetsuyuki Nakagawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON MALL Việt Nam cho biết: "Tôi nghĩ rằng thông qua cơ hội này, tỉnh Thanh Hóa với Aeon chúng tôi có mối quan hệ khăng khít hơn, mở ra nhiều dự án cũng như cơ hội đầu tư phát triển trong tương lai. Là một đơn vị bán lẻ, chúng tôi không chỉ đầu tư vào doanh nghiệp bán lẻ, mà mong muốn cơ sở của mình trở thành một cơ sở không thể thiếu được đối với thường nhật của người dân Thanh Hóa".
Năm 2024, đã tiếp nhận 24 chương trình, dự án, phi dự án, với tổng vốn viện trợ cam kết khoảng 13 triệu USD. Việc hợp tác phát triển vùng và liên kết vùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước được tỉnh quan tâm mở rộng; trong năm, tỉnh đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện sơ kết các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đã được ký kết.
Năm 2024, toàn tỉnh đã thu hút được 108 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 19 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13.300 tỷ đồng và hơn 420 triệu USD, gấp 1,3 lần về số dự án và tăng gần 16% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại có bước phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 đạt hơn 197 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu năm 2024 đạt gần 6,3 tỷ USD USD, tăng hơn 23%. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, đã từng bước khẳng định thương hiệu "Du lịch Thanh Hoá – Hương sắc bốn mùa". Tổng lượng khách du lịch năm 2024 của tỉnh đạt 15,3 triệu lượt khách, tăng hơn 22% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 719 nghìn lượt, tăng 16,7%; tổng doanh thu du lịch ước đạt 33.815 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Ông Phạm Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Thanh Hoá chia sẻ, đây là kết qủa của sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành; các sở ban ngành và các địa phương trong tỉnh đều vào cuộc rất quyết liệt trong việc thu hút xúc tiến đầu tư, quảng bá các sản phẩm thương mại và dịch vụ du lịch đến các thị trường. Giai đoạn 2025 - 2030, sẽ đổi mới toàn diện công tác xúc tiến, trước hết để đổi mới được chúng ta phải có được một bộ nhận diện thương hiệu của tỉnh Thanh Hoá. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và đã phê duyệt bộ nhận diện thương hiệu mới bao gồm được tất cả các ưu thế của tỉnh Thanh Hoá đến với bạn bè quốc tế.
Trong năm 2024, với nhiều giải pháp quyết liệt, Thanh Hóa đạt được thành quả cao nhất về thu ngân sách từ trước tới nay với số thu dự ước đến hết ngày 31/12/2024 đạt 55.300 tỷ đồng, vượt 55% dự toán được giao; trong đó thu thuế xuất nhập khẩu đạt 21.000 tỷ đồng và thu thuế nội địa đạt 34.300 tỷ đồng.
Thông qua hội nhập quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã tranh thủ thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với sự quan tâm từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, Thanh Hóa đang trở thành điểm sáng về thu hút FDI với cơ hội “thay da, đổi thịt” nền kinh tế địa phương, hướng đến mục tiêu trở thành một tỉnh “kiểu mẫu”, đầu tàu của khu vực Bắc Trung Bộ.