Thành lập ngay "nhóm xử lý" nhanh vướng mắc của doanh nghiệp

THÙY LINH 31/07/2021 15:39

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại chương trình "Cà phê doanh nhân" trực tuyến do Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Ngày 31/7, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) đã tổ chức chương trình "Cà phê doanh nhân" trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chương trình

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình "Cà phê doanh nhân" trực tuyến do Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch COVID - 19 diễn ra đợt thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, an sinh xã hội của người dân đang đối mặt các khó khăn thách thức. Chưa bao giờ người chủ doanh nghiệp, CEO lại phải đối mặt với các áp lực khó khăn như ngày hôm nay. Các vấn đề về chuỗi cung ứng đứt gãy, hệ sinh thái cộng sinh sản xuất bị mất đồng bộ, thị trường suy giảm nguy cơ bị đứt gãy, ách tắc lưu thông hàng hóa, thiếu hụt nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất, an sinh xã hội cho người lao động, vốn cho sản xuất, thị trường, vaccine cho công nhân… vẫn còn bất cập, là những nút thắt… cần được tháo gỡ. Việc ưu tiên nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân là trên hết và trước hết, nhưng những bất cấp có thể khắc phục được do sự thiếu đồng bộ, nhất quán từ các cấp, các ngành đến các địa phương, những quyết sách chưa thật phù hợp trong điều hành cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Tại chương trình, rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các mô hình duy trì sản xuất đã được các doanh nghiệp nêu ra và chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Trong đó, các doanh nghiệp tập trung nêu một số vấn đề chủ chốt như áp dụng các mô hình duy trì sản xuất linh hoạt hơn mô hình "3 tại chỗ" do khó có thể kéo dài trong nhiều tháng dù hiện nay mô hình "3 tại chỗ" đang phát huy tốt hiệu quả.

Việc số lao động của các ngành nghề không áp dụng "3 tại chỗ" đang phải tạm ngưng làm việc đang khó khăn nên cần sớm hỗ trợ các lao động và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động về quê, kéo người lao động trở lại nhà xưởng khi dịch được kiểm soát.

Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị cần tháo gỡ các khó khăn trong vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, các tỉnh đến TP. Hồ Chí Minh, khẩn trương tiêm vắc xin cho công nhân, có những chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giãn, gia hạn nợ, không chuyển nhóm nợ cho doanh nghiệp...

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến "sức khỏe" của doanh nghiệp. Theo ông Hoan, Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song vẫn mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục cống hiến về những cơ chế, chính sách có tác động đến doanh nghiệp.

Theo ông Hoan, Thành phố sẽ cố gắng thực hiện 3 nhóm giải pháp, cụ thể là tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, kể cả các lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động và giải quyết nhanh bài toán tiêm vắc xin cho người lao động. Các giải pháp trên cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp như cung cấp danh sách người lao động tự do chưa được ký kết hợp đồng để địa phương hỗ trợ.

Thực hiện giãn cách trong sản xuất của Công ty APT (Khu công nghiệp Tân Tạo - quận Bình Tân).

Thực hiện giãn cách trong sản xuất của Công ty APT (Khu công nghiệp Tân Tạo - quận Bình Tân).

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Phó bí thư thường trực TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, Phó bí thư thường trực TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã chỉ đạo thành lập nhóm "xử lý nhanh" các vướng mắc của doanh nghiệp ngay trong tuần tới và giao Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đứng đầu với sự tham gia của lãnh đạo các hiệp hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP, Tổ tư vấn của Thành phố...

Theo ông Phan Văn Mãi, nhóm này lập nên giải quyết nhanh các kiến nghị, lập kế hoạch đảm bảo sản xuất của doanh nghiệp, giữ doanh nghiệp tồn tại trong điều kiện có dịch và sau dịch. Đối với việc lựa chọn phương án sản xuất an toàn, các doanh nghiệp có phương án sản xuất an toàn có thể đề xuất với TP để thẩm định, vận hành, không gò bó theo mô hình mà Thành phố đang áp dụng. Hơn ai hết, doanh nghiệp cũng mong muốn an toàn cho hoạt động sản xuất của mình, và khi doanh an toàn thì phòng chống dịch của thành phố cũng an toàn. Doanh nghiệp và các cơ quan chức năng phải ngồi với nhau để tính toán kế hoạch, giải pháp an toàn cho từng doanh nghiệp, từng ngành hàng, cho cả cộng đồng doanh nghiệp...

Về lâu dài, ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đang đề nghị ngành xây dựng và các ngành liên quan nghiên cứu mô hình nhà ở cho công nhân như Singapore đang áp dụng để có những khu lưu trú dã chiến, đáp ứng điều kiện sinh hoạt kéo dài.

Có thể bạn quan tâm

  • Quý I/2021: 13,3% kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được giải quyết

    Quý I/2021: 13,3% kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được giải quyết

    10:10, 31/07/2021

  • Không để doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau!

    Không để doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau!

    11:34, 30/07/2021

  • Doanh nghiệp dệt may đề xuất bỏ quy định “luồng xanh”

    Doanh nghiệp dệt may đề xuất bỏ quy định “luồng xanh”

    11:00, 30/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thành lập ngay "nhóm xử lý" nhanh vướng mắc của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO