Tổ công tác có trách nhiệm tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ Luật Quy hoạch và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/ 2018 của Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm |
Theo quyết định, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng.
Các chuyên gia đánh giá, một trong những kết quả lớn mà Bộ KH&ĐT đạt được trong năm 2017 chính là sự ra đời của Luật Quy hoạch. Luật đã góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Theo đó, Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất để kiến tạo sự phát triển theo cơ chế thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, giảm bớt gánh nặng đầu tư công và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, cơ quan soạn thảo xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức khi Luật tác động đến 95 luật, pháp lệnh và khoảng 20.000 bản quy hoạch đang tồn tại. Chính vì vậy, việc thông qua Luật có 2 ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất là tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về quy hoạch; tạo lập, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch một cách trật tự, gọn gàng, thống nhất, hữu hiệu để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển…
Thứ hai, đổi mới quan điểm lập quy hoạch theo hướng tiếp cận quy hoạch chiến lược; nội dung quy hoạch là tổng hợp, đa ngành, chú trọng đến phân bổ không gian phát triển, có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để xử lý, giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM thì cho biết, trước đây khó khăn nhất của Thành phố khi triển khai 1 dự án là phải rà soát xem dự án đó có phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực hay không. Tuy nhiên, kể từ khi có Luật Quy hoạch, địa phương đã có khung khổ pháp lý để thực hiện.
Tuy nhiên, từ thực tiễn tại địa phương, ông Sử Ngọc Anh cho rằng, một trong những khó khăn trong công tác quy hoạch hiện nay chính là xác định ai là người làm, xây dựng quy hoạch, hay nói cách khác là xác định đội ngũ chuyên gia làm quy hoạch là ai?
“Vừa qua,Thành phố đã phải hủy việc thực hiện một quy hoạch về phát triển du lịch. Bởi khi xây dựng quy hoạch này, Thành phố đã mời một số chuyên gia làm quy hoạch cùng dự thảo thì thấy thực trạng số liệu đã quá cũ, tư duy kém, cách thức làm không còn phù hợp. Cuối cùng phải hủy quy hoạch để thuê công ty nước ngoài thực hiện”, ông Sử Ngọc Anh nói.
Do đó, theo lãnh đạo Sở KH&ĐT TP.HCM, Luật Quy hoạch ra đời là một bước cải cách lớn, đáng khích lệ, nhưng vấn đề quan trọng hơn trong thời gian tới là phải tính toán được cách làm quy hoạch như thế nào cho có bài bản và hiệu quả.
Còn theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An, hiện nay hầu hết các địa phương đều có nhu cầu xây dựng quy hoạch theo Luật mới, nhưng vẫn còn băn khoăn khi việc hướng dẫn thực hiện Luật chưa có văn bản cụ thể; địa phương cũng chưa xác định được nhân sự thực hiện quy hoạch, dự toán dành cho công tác này…
“Khối lượng công việc rất nhiều, sự đổi mới của quy hoạch rất mạnh mẽ nhưng địa phương hiện vẫn còn rất lúng túng”, ông Độ chia sẻ.