Người Việt Nam có câu “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận đàng” để chỉ về những lợi thế khi chọn vị trí định cư, phát triển cuộc sống lâu dài và bền vững.
>>> Cơ chế đặc thù cho quy hoạch sông Hồng
Chính vì vậy, các đô thị thường được gắn với những dòng sông. Với Hà Nội, phát triển thành phố lấy sông Hồng làm trục chính, mở rộng về phía Đông với những chuỗi đô thị hiện đại đang là hướng đi hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển to lớn.
Chia sẻ riêng với DĐDN, TS. Trần Minh Tùng – Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho biết, các thành phố trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn gắn liền sự phát triển với một dòng sông, dù lớn hay dù nhỏ, và tạo nên một “thương hiệu kép” giữa sông và thành phố.
Nghĩa là khi nhắc đến thành phố, người ta sẽ nhắc đến con sông gắn liền với thành phố đó, và ngược lại khi nhắc đến con sông, người ta cũng sẽ nhớ đến thành phố đó. Dòng sông trở thành “xương sống” để phát triển các không gian đô thị cũng như chi phối mạnh mẽ hình thái đô thị.
Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng đấy. Trong bản quy hoạch mới nhất, không gian hai bên bờ sông Hồng được xem là hành lang xanh của thành phố. Kế hoạch phát triển Thủ đô cũng vươn xa hơn về phía Đông, đồng thời tận dụng đất ven sông để làm đất ở.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, trong một tọa đàm mới đây về bất động sản, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, lấy sông Hồng làm trục, mở rộng về phía Đông là cơ sở để hiện thực hóa mong muốn phát triển kinh tế biển của Việt Nam. “Phát triển kinh tế biển là phải hướng về biển, về phía Đông, không thể đi về phía núi”, ông Ánh nói.
Mặt khác, tại phía Đông Hà Nội, TS Ánh nhắc tới tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đã chính thức hình thành, đặc biệt là với sự kết nối của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng – Bãi Cháy. Việc phát triển ra phía Đông theo ông sẽ tận dụng được sự kết nối này.
>>> Tăng chính sách đặc thù, đột phá cho Hà Nội
>>> Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt: Khu vực nào hưởng lợi?
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá cao tư duy mở rộng về phía Đông của một số doanh nghiệp bất động sản. Đây là tầm nhìn rõ ràng, mạch lạc, dựa vào hệ thống hạ tầng lớn của quốc gia.
Ông nhắc tới một số đại đô thị lớn như Vinhomes Riverside, Vinhomes Ocean Park giai đoạn 1-2-3 với tư duy phát triển dạng chuỗi như tại các nước phát triển. Sự xuất hiện của các chuỗi đô thị lớn theo ông sẽ tạo nên hình mẫu, kéo theo các dự án tương tự trong tương lai, từ đó tạo lực đẩy trong phát triển của cả khu vực phía Đông.
Về quy hoạch ven sông, TS. Trần Minh Tùng phân tích, đất phù sa sông Hồng là loại đất có thành phần tương đối tốt cho việc trồng trọt, thể hiện qua tình trạng sử dụng hiện nay, hầu hết diện tích loại đất này đã được gieo trồng từ 2 đến 3 vụ lúa mầu và cho năng suất khá cao.
Mặt khác, đứng về góc độ phong thủy, mặt nước ven sông là hành lang điều tiết các vấn đề khí hậu trong đô thị giúp việc lưu thông không khí, gió, ánh nắng, tạo sinh khí cho đô thị phát triển. Thêm vào đó, dòng sông cũng lưu trữ nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống.
Với những đặc tính của quỹ đất ven sông, theo ông Tùng nên chăng, Thành phố ven Sông Hồng sẽ là một thành phố của màu xanh bởi nhiều hình thức xanh khác nhau, chẳng hạn như: Các khu ở thấp tầng kiểu nhà vườn mà ở đó hẳn nhiên tỷ lệ vườn nhiều hơn tỷ lệ nhà và việc hạn chế số tầng cao sẽ giúp cho thành phố hiện hữu kết nối với dòng sông dễ dàng hơn.
Các công viên nông nghiệp vừa kết hợp giữa tính chất giải trí, nghỉ ngơi của công viên vừa giúp tăng màu xanh và tăng thu nhập của người dân thông qua việc trồng trọt các loại cây xanh nông nghiệp, tận dụng độ màu mỡ của đất đai, đồng thời cung ứng tại chỗ các nguồn nông sản sạch.
Các không gian mở xanh dành cho các hoạt động ngoài trời, picnic, dã ngoại kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ tiện ích nhằm giúp người dân có thể “đổi gió” cuộc sống của mình ngay trong lòng thành phố.
Các khu vực dịch vụ giải trí gắn liền với cây xanh và mặt nước ven sông, tạo nên đặc trưng riêng cho thành phố trong phát triển du lịch cũng như làm nổi bật hơn vai trò của sông Hồng...
“Thay vì để Thành phố ven Sông Hồng có thể gây ra những nguy cơ mới cho Hà Nội thì hãy cung cấp cho thành phố những cơ hội phát triển thông qua việc đa dạng hóa công năng đô thị, bổ sung những chức năng “phi công trình” thay vì cách làm đơn thuần là “nhà ở hóa” hay “công trình hóa” các quỹ đất tiềm năng như thường thấy” – ông Tùng đề xuất.
Đồng quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Thực tế, không gian dọc hai bên bờ sông Hồng rất đẹp, thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là phát triển khu đô thị, dân cư.
Theo phân tích của ông Chính, từ ngàn đời nay, tâm lý con người nói chung và người Việt Nam nói riêng thích sinh sống ở khu vực bằng phẳng, gần sông nước. Hai bên bờ sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội có địa hình bằng phẳng, những dải đất rộng nối tiếp nhau. Điều này rất thuận lợi để quy hoạch xây dựng một thành phố đa năng.
“Trước đây, đồ án quy hoạch của người Hàn Quốc cho Hà Nội được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì quy hoạch trên không còn phù hợp. Nhưng điều đáng mừng, khi Hà Nội mở rộng, đồng nghĩa với việc diện tích ven sông Hồng được mở rộng gấp thêm nhiều lần, tạo thêm không gian, rất tốt để Hà Nội thực hiện quy hoạch đô thị được tốt hơn, đẹp hơn, ý tưởng phong phú hơn. Với diện tích đó, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để xây dựng một thành phố đa chức năng trong nhiều thập niên tới” - ông Chính khẳng định.
Có thể bạn quan tâm