Trong năm 2025 cũng như giai đoạn tới, thành phố Huế xác định các giải pháp đầu tư cho du lịch, hình thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với bảo tồn di sản.
Theo thống kê từ Sở Du lịch thành phố Huế, trong 9 ngày nghỉ dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ từ 25/1 - 2/2 (26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ) có hơn 150.300 lượt khách du lịch đến địa phương. Trong đó, lượng khách quốc tế ước đạt hơn 69.000 lượt, khách nội địa ước đạt gần 81.300 lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt 245 tỷ đồng.
Thông tin từ cơ quan du lịch đưa ra thể hiện các hoạt động du lịch dịch vụ và lữ hành đầu năm có sự chuyển biến tích cực. Từ đây mang lại tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Huế trong năm mới 2025 và tương lai.
Để tận dụng tốt lợi thế của địa phương trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp du lịch kiến nghị thành phố Huế có thêm phương án để tổ chức các lễ hội đầu xuân trở nên quy mô hơn. Các đơn vị cho rằng nhiều lễ hội đầu xuân ở Huế chưa thu hút du khách, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch lễ hội là vì vấn đề tổ chức các lễ hội vẫn đang ở mức hình thái sinh hoạt của cư dân bản địa, chưa có dịch vụ, có trải nghiệm độc đáo để khách du lịch quan tâm.
Đặc biệt trong năm 2025, thành phố Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia là một cơ hội rất tốt để phát triển du lịch và thu hút du khách. Đây là lần thứ hai đăng cai, các doanh nghiệp đánh giá Huế sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong công tác chuẩn bị, xây dựng các chương trình, phát triển sản phẩm,... để phù hợp với thị hiếu nhưng vẫn giữ được nét riêng của thành phố di sản.
Được biết, Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 sẽ có hơn 170 sự kiện, trong đó Huế tổ chức 62 sự kiện được trải dài trong năm. Đây là thời cơ để Huế đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến, hứa hẹn một năm Huế vươn mình mạnh mẽ sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Và ngành du lịch Huế đặt mục tiêu năm 2025 thu hút 4,8 - 5 triệu lượt là có cơ sở.
“Năm Du lịch quốc gia là cơ hội rất tốt, điều kiện thuận lợi cho du lịch Huế bứt phá. Địa phương cần tổ chức các sự kiện một cách bài bản, có thêm nhiều dịch vụ phụ trợ, nhiều lễ hội, sự kiện có tính trải nghiệm cao,... để phục vụ khách du lịch”, đại diện một doanh nghiệp đề xuất.
Thông tin từ lãnh đạo địa phương, trong thời gian tới thành phố Huế sẽ phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt như văn hóa - di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế. Đồng thời, phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững,...
Tương tự, Huế sẽ phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa, xây dựng nền tảng kinh tế của thành phố dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái và quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân tạo động lực phát triển.
Để đưa ngành du lịch trở thành trụ cột kinh tế, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND thành phố Huế cho hay thời gian tới địa phương sẽ tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ hỗ trợ khác. Đặc biệt, địa phương sẽ ưu tiên nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch chính.
Đồng thời, Huế sẽ phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, thêm nhiều loại hình du lịch, từ du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng đến du lịch nghỉ dưỡng. Các tour trải nghiệm, khám phá di sản văn hóa và thiên nhiên sẽ được chú trọng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.
“Cùng với đó là khuyến khích hợp tác công tư (PPP), tạo cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực du lịch, bao gồm xây dựng cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ du lịch khác. Địa phương cũng sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, từ quản lý đến hướng dẫn viên, đảm bảo chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách”, ông Phương cho hay.
Ngoài ra, ngành du lịch Huế cũng sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội để thu hút du khách, tạo điểm nhấn và tăng sức hấp dẫn cho du lịch Huế. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân tham gia vào hoạt động du lịch, không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn bảo tồn văn hóa địa phương và hơn hết là đảm bảo môi trường du lịch an toàn và thân thiện,...