Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra liên quan đến một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 27/09/2018
05:14, 14/03/2018
05:31, 27/02/2018
Nhiều sai phạm tại các dự án BRT Hà Nội
Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thanh tra hợp phần 1 – xe buýt nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo đó, TP Hà Nội tổ chức 3 đoàn đi nghiên cứu, khảo sát mô hình BRT tại Brazil, Colombia, Ecuado, Indonexia.
Tuy nhiên, theo kết luận 1 đoàn không có báo cáo kết quả, 2 đoàn báo cáo nhưng không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát. Các tổ được cử đi không có tài liệu để tham gia đóng góp đối với việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, không đạt mục tiêu việc khảo sát.
Việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu từ năm 2008 đến 2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý; việc đấu thầu bị chậm so với kế hoạch. Trong dự toán có 7 gói thấu xây lắp có khoản chi phí huy động, giải thể công trường đã nằm trong chi phí chung nhưng chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, gây thất thoát cho ngân sách 332 triệu đồng.
Về gói thầu 04/BRT-TB(BRT CP08) – Đoàn xe BRT (35 xe), TTCP cho biết chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa đúng mẫu hồ sơ dự thầu và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới.
Cụ thể, không lập dự án nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm xe nhập khẩu, dẫn đến không có cơ sở quản lý giá và căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.
Ngoài ra, chủ đầu tư đã bổ sung các thiết bị vào gói thầu CP8 có tổng giá trị 17,6 tỷ đồng, không tổ chức đấu thầu mà ký phụ lục hợp đồng bổ sung với nhà thầu. Việc này vi phạm điều 22 Luật Đấu thầu và điều 101 Luật Xây dựng.
Đối với dịch vụ kiểm tra xe và vận hành, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu số tiền vượt so với hợp đồng 206 triệu đồng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Với gói thầu trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, nhà thầu là liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Gia Long và Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam, TTCP cho biết công trình hoàn thành chậm 417 ngày; gây lãng phí ngân sách ở hạng mục cừ, giằng chống tầng hầm 1,7 tỷ đồng; thất thoát ngân sách 625 triệu đồng ở một số việc không đúng quy định. Một số hạng mục như gia công, lắp dựng cách hợp kim nhôm kín thừa số tiền 823 triệu, nghiệm thu thiếu hóa đơn thép 1 tỷ đồng…
BRT chưa đạt hiệu quả mong muốn
Với gói thầu xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến; từ Khuất Duy Tiến đến Bến xe Yên Nghĩa, chủ đầu tư và tư vấn đã thay thế mặt đường bê tông nhựa thành đường bê tông xi măng, gây lãng phí ngân sách hơn 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra được lợi ích khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng.
Cụ thể, các nhà chờ và cầu vượt chưa thuận tiện cho người sử dụng, xe buýt BRT được bố trí làm đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu nên thường xuyên gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Về lượng khách, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, trong sáu tháng đầu năm 2017, bình quân đạt 39,9 người/lượt, chỉ đạt 44% so với công suất thiết kế là 90 người/lượt; giờ cao điểm cũng chỉ đạt 69,7 người/lượt, đạt 75,4% công suất.
Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Trách nhiệm này thuộc UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những tồn tại trên; tăng cường công tác khuyến khích người dân tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng cùng các biện pháp khác để nâng cao hiệu quả BRT.
Bên cạnh đó, chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện đối với gói thầu trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã điều chỉnh giảm khối lượng tính thừa 316 m2 tương ứng trị giá hơn 800 triệu đồng việc gia công, lắp dựng vách hợp kim nhôm kính an toàn; Rà soát hồ sơ nghiệm thu khối lượng hơn 158 tấn thép nhà thầu chưa chứng minh đủ hồ sơ, hóa đơn đưa vào thi công với giá trị hơn 1 tỷ đồng.