Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng và Nhà nước quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững, phục vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
3 quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Trước những biến đổi nhanh, khó lường của tình hình thế giới; đặc biệt sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực đột phá, không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung; là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững.
Đổi mới sáng tạo, với Việt Nam là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển.
Nhận định Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chíp bán dẫn, AI, điện toán đám mây…
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ 3 quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững.
Thứ hai, đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt, thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thứ ba, đổi mới sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.
Thủ tướng khẳng định: đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, không giới hạn, không có biên giới, Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại.
Chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển...; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng…
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…; tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính, nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như AI, bán dẫn, năng lượng xanh tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững; tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế…
"Thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh và hợp tác, trao đổi quốc tế chặt chẽ, hiệu quả" - Thủ tướng nêu rõ.
Tinh thần "4 cùng"
Về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không làm thay các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhiệm vụ cụ thể với từng bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các bạn trẻ...
Với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân, Thủ tướng nêu rõ, tinh thần "4 cùng": cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước - người dân và doanh nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương luôn trân trọng lắng nghe và cảm ơn những ý kiến đóng góp để rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan.
Nhân sự kiện, Thủ tướng tuyên bố lấy Ngày 1/10 hàng năm là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam để vinh danh, khích lệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là ngày vui của những người đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đánh giá cao hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) với mô hình hoạt động dựa trên những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm và tin tưởng rằng, NIC sẽ là trái tim của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, là điểm tựa cho sự phát triển vượt bậc, bền vững và hội nhập toàn cầu của các bạn trẻ.