Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Tìm mô hình cho cơ quan quản lý cạnh tranh

Song Nhi 24/05/2018 13:14

Theo chương trình làm việc, chiều nay (24/5) Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương: Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh

    16:13, 16/05/2018

  • Phá thế độc quyền trong Luật Cạnh tranh

    12:37, 27/04/2018

  • Rắc rối pháp lý thương vụ Grab mua Uber: Có vi phạm Luật Cạnh tranh?

    13:15, 13/04/2018

  • Uber sáp nhập vào Grab: Có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh?

    17:14, 27/03/2018

Nếu có vi phạm Luật cạnh tranh trong thương vụ Grab

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết: nếu chứng minh được có vi phạm Luật Cạnh tranh trong thương vụ Grab "thâu tóm" Uber, doanh nghiệp tham gia có thể phải đối diện mức phạt tiền lên đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm hoặc giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện...

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 123 điều, trong đó bổ sung thêm 1 chương mới (8 điều), 2 điều mới, gộp 7 điều thành 2 điều, bỏ 3 điều, bổ sung một số điểm, khoản...; quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh…

Một trong các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Qua thảo luận, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính độc lập cũng như thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nếu Ủy ban này trực thuộc Bộ Công Thương như quy định trong dự án Luật.

Việt Nam hiện có 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh, đó là: Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh. Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý cạnh tranh là thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng Cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Hội đồng Cạnh tranh được thành lập và hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, liên ngành.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mô hình cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh như hiện tại là chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng cho mọi loại hình doanh nghiệp.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là do người dân hầu như không khiếu nại, ngoài những việc ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, còn doanh nghiệp thì thường tự thỏa thuận, “đi đêm” với nhau. Ngoài ra, trong quá trình thực thi, một số quy định của Luật Cạnh tranh đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. Cụ thể, có nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất của pháp luật và cơ chế thực thi như tình trạng một hành vi được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, thực thi bởi các cơ quan quản lý khác nhau đã gây nên nhiều bất cập trong khâu xử lý. Cơ quan thực thi vẫn còn hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Đối với cộng đồng xã hội và các cơ quan liên quan vẫn còn tâm lý ngại khiếu nại, va chạm, thiếu tinh thần hợp tác, cung cấp thông tin, chứng cứ.

Liên quan đến vấn đề này hiện vẫn tồn tại 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Luồng ý kiến thứ nhất bày tỏ đồng thuận việc sáp nhập Cục Quản lý cạnh tranh với Hội đồng Cạnh tranh. Cơ quan này sẽ do Bộ Công Thương quản lý, được tăng cường năng lực thực thi và được quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại quan ngại về tính độc lập, khách quan của cơ quan được sáp nhập trực thuộc Bộ Công Thương khi Bộ này đang là cơ quan chủ quản của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Để đảm bảo khách quan, nhiều chuyên gia nêu quan điểm nên đề xuất sáp nhập Cục Quản lý cạnh tranh với Hội đồng Cạnh tranh thành một cơ quan duy nhất là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Chính phủ.

Tờ trình Chính phủ khẳng định, Dự thảo Luật mới sẽ điều chỉnh quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Thứ nhất, đối với một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại Luật khác, dự thảo Luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác, đồng thời bổ sung nguyên tắc xử lý để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi. Thứ hai, dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thứ ba, dự thảo Luật đã bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến và có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại dự thảo Luật. Thứ tư, dự thảo Luật đã lược giản hoá trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, theo đó bãi bỏ thủ tục điều tra sơ bộ và rút ngắn thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh từ 90 ngày xuống còn 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định điều tra.

Bên cạnh đó là hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh, quy định về cơ quan cạnh tranh trong dự thảo Luật được tiếp cận theo hướng nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Theo đó, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 02 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương. Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 121 điều. 
Một số nội dung tiếp tục xin ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 5 gồm: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2); Giải thích từ ngữ (Điều 3); Áp dụng luật này và các luật khác có liên quan (Điều 4); Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh (Điều 6); Trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh (Điều 7); Hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước (Điều 8)... và các vấn đề khác.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh năm 2004 nhằm tăng cường hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn trong tình hình mới như: Đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế; đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh. Đặc biệt, nhằm khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; thay đổi cách tiếp cận để kiểm soát hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh để phản ánh đúng bản chất và tác động của hành vi, phù hợp với thông lệ quốc tế; khắc phục hạn chế về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo tính độc lập, tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Tìm mô hình cho cơ quan quản lý cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO