Năm 2018 được kỳ vọng sẽ có khá nhiều doanh nghiệp làm nên những thương vụ bán vốn Nhà nước đình đám, khi hội đủ các điều kiện hấp dẫn người mua.
Cty Chứng khoán KIS nhận định, SCIC, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giao Thông Vận Tải, PVN và Vinachem đều có nhiều “hàng hóa” hấp dẫn sẽ được thoái vốn đúng lộ trình và hiệu quả.
“Trứng vàng” ngành nhựa của SCIC
Ngày 12/2/2018 chỉ mấy ngày trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, SCIC đã có thông báo bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP). Tuy nhiên, thông báo này chỉ mang tính “nhá hàng” cho thị trường chuẩn bị vào không khí giao dịch thực sự với giá chào bán khởi điểm cổ phiếu BMP mà SCIC đang nắm giữ. SCIC hiện đang nắm tới 29,51% vốn điều lệ của BMP và theo kế hoạch, lộ trình thoái vốn được phê duyệt, tỷ lệ nắm giữ dự kiến của SCIC tại doanh nghiệp này bằng 0.
BMP đang giữ vương vị doanh nghiệp đầu ngành nhựa, chỉ so kè cùng CTCP Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP) - một doanh nghiệp mà SCIC cũng đang là cổ đông lớn và cũng có kế hoạch thoái vốn từ mức 37,1% về 0. Thị giá cổ phiếu BMP đang được cho là có mức tăng trưởng ngắn hạn nhưng chưa đủ mạnh mẽ cùng giai đoạn VN-Index tăng trưởng mạnh vừa qua. Nếu tính đến tháng 12/2017, trong vòng 1 tháng BMP tăng 29%, trong 3 tháng tăng 30%, nhưng trong vòng 1 năm lại giảm 12% so với cùng kỳ năm 2016. Bước tăng trưởng chậm so với thị trường có thể khiến BMP không phải là mặt hàng giống như Sabeco khi giá đã tăng quá đỉnh vẫn được nhà đầu tư ngoại sẵn sàng trả giá cao hơn để “ẵm” gần như trọn gói số cổ phần sở hữu Nhà nước mà Bộ Công Thương bán ra. Tuy nhiên, đây lại là thuận lợi bởi thuận chiều với kỳ vọng của các cổ đông khi SCIC có thể bán số cổ phần sở hữu ở mức giá “tương đối phù hợp”, không bị đấu quá ngưỡng chờ đợi bởi thực tế BMP cũng đã tăng trưởng trước đó và không còn quá rẻ nữa.
Ngoài GAS, PVN dự kiến cũng sẽ đóng góp đáng kể cho thị trường những mặt hàng hấp dẫn thông qua các đợt bán vốn khỏi Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM), từ mức 61,3% xuống 51%; 100% cổ phần PV Oil thoái xuống còn 35,1%.
Tương tự như vậy, cổ phần mà Nhà nước dự kiến thoái vốn tại NTP có thể đẩy ra thị trường và khớp trúng mong đợi của cổ đông chiến lược khi thị trường đang đứng trước những nhịp điều chỉnh như hiện tại.
Giới chuyên môn đánh giá, việc SCIC “nhả trứng vàng” BMP và NTP, với giá phù hợp, có thể sẽ được các cổ đông chiến lược hiện hữu hứng trọn, lần lượt với nhà đầu tư Thái đang sở hữu 20% cổ phần tại BPM và Sekisui Chemical Nhật Bản với 15% tại NTP. Theo đó, cục diện “lưỡng đầu chế” của 2 doanh nghiệp cũng sẽ được phá vỡ với nỗ lực của các cổ đông chiến lược ngoại trong cuộc đua gia tăng tỷ lệ sở hữu qua các đợt bán vốn của SCIC tới đây.
Thị trường “gọi tên” cổ phiếu dầu khí
Nằm im khá lâu trên thị trường với quy mô cồng kềnh về vốn hóa, giá trị lẫn tỷ lệ sở hữu Nhà nước, Tcty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) lên sàn chứng khoán từ 2012, cũng sẽ có bước chuyển động mới năm 2018.
Theo lộ trình, PVN -Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cổ đông lớn nắm hơn 96% cổ phần của GAS sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp này về mức 65%. GAS có room cho nhà đầu tư nước ngoài là 49%. Với hoạt động chính là kinh doanh các lĩnh vực khá đặc thù bao gồm: khí khô, LPG, kinh doanh khí ngưng tụ và cho thuê bất động sản và ở cương vị 1 trong 3 Tcty lớn nhất của PVN, thì GAS có thể được xem là một mặt hàng hấp dẫn bậc nhất đối với các nhà đầu tư mong muốn trở thành cổ đông chiến lược.
Theo đó, loại trừ yếu tố giá trên thị trường thứ cấp, cũng như tác động từ thị trường dầu khí, thì chỉ riêng với một tỷ lệ thoái vốn dự kiến khá lớn, GAS không chỉ là cú hích cho nguồn thu ngân sách Nhà nước qua bán vốn, mà còn giúp nâng giá trị vốn hóa thị trường lên đáng kể.
Ngoài GAS, PVN dự kiến cũng sẽ đóng góp đáng kể cho thị trường những mặt hàng hấp dẫn thông qua các đợt bán vốn khỏi Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM), từ mức 61,3% xuống 51%; 100% cổ phần PV Oil (Tcty Dầu Việt Nam) thoái xuống còn 35,1% (đã IPO thành công vào tháng 1/2018 và PVN sẽ tìm cổ đông chiến lược để bán 44,72% vốn điều lệ trong năm nay).
Cũng thuộc nhóm kinh doanh năng lượng ở mảng phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam-Petrolimex (HoSE: PLX) do Bộ Công Thương đang nắm giữ 78,6%, sẽ có kế hoạch thoái vốn theo lộ trình xuống còn 53,7%. PLX niêm yết vào tháng 4/2017, có giá đóng cửa phiên chào sàn đầu tiên 48.900đ/cp, hiện đã tăng giá gần gấp đôi lên trên 80.000đ/cp. Với thị phần phân phối bán xăng dầu gần 50% và vẫn giữ khoảng cách khá xa so với PV Oil, Thanh Lễ, thì PLX sẽ là “bom tấn” có thể thu hút vốn đầu tư qua đợt bán vốn sắp tới của Nhà nước và khuấy động thị trường trong năm nay, dù giá của của PLX cũng “không còn rẻ”.