Câu chuyện bệnh viện Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện và bệnh viện K cũng muốn “theo gót” khiến không ít người lo lắng, nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực…
>>Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Do thiếu cơ chế pháp lý
Theo đó, năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện là 2 năm. Tuy nhiên đến nay chỉ có 2 bệnh viện thực hiện Nghị quyết nhưng lại đề xuất xin dừng thí điểm vì gặp nhiều khó khăn về vốn, rào cản pháp lý.
Xung quanh câu chuyện này, TS. Nguyễn Đức Kiên, ĐBQH, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, sự việc này là một tín hiệu rất tích cực để cho ngành y tế trình bày các khó khăn của mình và tạo được sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, thực tế, việc triển khai thí điểm tự chủ của các bệnh viện thời gian qua, kết quả thu được không như mong muốn là vì hai nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là trong 2 năm vừa qua, các bệnh viện được phân công thực hiện thí điểm tự chủ nhưng lại rơi vào đúng 2 năm dịch bệnh căng thẳng, bệnh viện không có bệnh nhân, nguồn thu sụt giảm, gây khó khăn rất lớn. Thêm nữa, trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng thì các bệnh viện cũng phải tập trung cho phòng chống dịch, nên nhìn chung ít có điều kiện để thực hiện đúng việc tự chủ như mục tiêu ban đầu đặt ra.
“Còn nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa có kinh nghiệm, thời gian qua chúng ta chưa đầu tư phù hợp cho việc triển khai thí điểm tự chủ bệnh viện nên kết quả như vậy là phản ánh đúng”, TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Đưa ra góp ý để tìm lời giải cho bài toán của ngành y tế, vị chuyên gia này cho rằng, thời điểm này Bộ Y tế cần động viên, chia sẻ với các bệnh viện để họ tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện. Vì như đã nói, 2 năm vừa qua việc thí điểm tự chủ bệnh viện được triển khai trong bối cảnh đặc biệt là dịch COVID-19, do đó bệnh viện chưa có điều kiện để làm được.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong 4 bệnh viện thì mỗi bệnh viện có đặc thù riêng, do đó để các bệnh viện tự chủ được thì không thể gom 4 bệnh viện làm chung một mô hình mà cần có nghị định hoặc quyết định thí điểm riêng cho từng bệnh viện.
Về lâu dài, Bộ Y tế phải nghiên cứu để từ nay đến 2025 trình được Chính phủ, Trung ương ra được nghị quyết về đổi mới tổ chức bộ máy ngành y tế. Trung ương đã có nghị quyết về vấn đề chăm sóc sức khoẻ rồi, giờ cần tổng kết lại nghị quyết này, nâng lên thành nghị quyết chuyên đề của Trung ương về "Đảm bảo đổi mới công tác về sức khoẻ trong bối cảnh công nghiệp hoá và hội nhập kinh tế quốc tế".
>>Vì sao hàng kém chất lượng “lọt” cửa thầu y tế?
Đồng quan điểm, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng cho rằng, việc thí điểm tự chủ toàn diện được xem như là “phép thử” để những bất cập của việc vận hành, quản lý các loại hình y tế bộc lộ. Vì thế hiện nay, nếu giải được bài toán Bạch Mai sẽ giải được bài toán của ngành y. Vậy các bệnh viện tuyến trung ương, chuyên khoa đầu ngành sẽ phải vận hành theo phương thức nào để phát triển và tối đa hóa hiệu quả?
Để trả lời được câu hỏi này, theo TS Trần Tuấn, đầu tiên là Chính phủ cần sớm cho thực hiện đánh giá độc lập khoa học về triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP trong 2 năm qua. Và qua nghiên cứu về mô hình của các nước trên thế giới, TS Trần Tuấn đề xuất, cần có 3 loại hình bệnh viện. Đó là bệnh viện công, bệnh viện tư và bệnh viện nhân đạo không vì lợi nhuận.
Các bệnh viện lớn đang trong diện được “ngắm” thực hiện thí điểm tự chủ chính là sẽ vận hành theo hướng của loại hình thứ 3 này. Thực hiện được như vậy thì, các loại hình sẽ phát huy được lợi thế, thúc đẩy công bằng, đảm bảo yếu tố nhân đạo, cạnh tranh trong cơ thế thị trường. Sự thất bại trong việc thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện lại càng khẳng định là cần mô hình y tế ngoài công lập phi lợi nhuận.
TS Trần Tuấn nhận định, những quy định của luật pháp và văn bản dưới luật thời gian gần đây đã đang dần mở ra hướng đi như vậy. Và đây là một tín hiệu đáng mừng. Đơn cử, tại Nghị định 60, các đơn vị sự nghiệp công lập về y tế dự phòng, khám chữa bệnh ban đầu, bệnh viện tại các vùng khó khăn, bệnh viện điều trị các bệnh xã hội như: bệnh phong, lao, tâm thần… được xếp vào nhóm sự nghiệp công lập, sử dụng hoàn toàn ngân sách Nhà nước.
“Chỉ cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì các loại hình bệnh viện sẽ vận hành trơn tru”, TS Trần Tuấn nói.
Có thể bạn quan tâm