Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19.
Đó là yêu cầu được nêu ra trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành.
Theo đó, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch). Đồng thời, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.
Chính phủ cũng yêu cầu báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan rộng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các địa phương nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, tấn công là chủ động, là đột phá; phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định.
Chính phủ yêu cầu tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa ở những nơi có ổ dịch với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân là chủ thể, là trung tâm và sự ổn định phát triển của doanh nghiệp lúc này là quan trọng.
Ở lần bùng dịch thứ tư này, COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các ngành dịch vụ, du lịch, các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong bối cảnh này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh nhận thức về tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song không bi quan, dao động, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, xem khó khăn, thách thức thành động lực để nỗ lực phấn đấu, vươn lên.
Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp. Rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chấm dứt tình trạng xin cho, chạy dự án…
Với quyết định cắt giảm chi tiêu để để giảm gánh nặng cho ngân sách, tập trung nguồn lực vừa chống dịch vừa đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, có thể khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã rất sáng suốt, nhạy bén trong điều hành. Chính sách này đã được đông đảo người dân hưởng ứng.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vượt qua khó khăn trước mắt, vực dậy nền kinh tế và đạt được nhiều kết quả khả quan. Minh chứng rõ ràng nhất cho kết quả này đó là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, các nước đều có tăng trưởng kinh tế âm nhưng Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương một cách ngoạn mục.
Cụ thể, kinh tế tháng 5 và 5 tháng qua vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng công nghiệp được duy trì; nông nghiệp được mùa, thu hoạch, tiêu thụ sản tương đối tốt. Thu ngân sách đạt khá, sản xuất công nghiệp, nhất là chế biến, chế tạo tăng cao, kiểm soát lạm phát tốt nhất từ năm 2016 tới nay.
Tính lũy kế 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng 8,8%; xuất khẩu đạt trên 130 tỷ USD, nhập khẩu trên 131 tỷ USD, nhập siêu 0,37 tỷ USD; chỉ số CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29% so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm, tăng 15,2% so cùng kỳ...
Tin rằng, với chiến lược phòng, chống COVID-19 rất sáng suốt của Chính phủ, tổ chức cắt giảm chi phí không cần thiết, dành ngân sách tập trung phòng chống dịch, kiên định "mục tiêu kép" phòng dịch đi liền với tiếp tục sản xuất, không để chuỗi sản xuất - cung ứng bị gẫy đổ, sẽ không lâu nữa Việt Nam sẽ đẩy lùi được dịch bệnh, trả lại cuộc sống an toàn cho người dân, để người dân, doanh nghiệp yên tâm phát triển kinh tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
12:20, 10/06/2021
12:04, 10/06/2021
11:00, 10/06/2021
08:00, 10/06/2021
22:24, 09/06/2021
19:00, 09/06/2021
17:11, 09/06/2021
11:01, 09/06/2021
11:00, 09/06/2021
11:00, 09/06/2021
10:50, 09/06/2021
06:00, 09/06/2021