Thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu: Kỳ III - Những khuynh hướng mới

TS. BÙI NGỌC SƠN - Chuyên gia kinh tế 22/06/2021 11:00

Sự phân bố lại chuỗi cung ứng đã kéo theo những thay đổi trong công nghệ và quản lý của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vấn đề đặt ra là chuỗi phải thay đổi thế nào về mặt công nghệ và quản lý, bên cạnh việc phân bố lại về địa lý, để chuỗi vẫn phải cạnh tranh và có sức chống chịu với những cú sốc tương lai.

 Nếu muốn trở thành địa điểm tin tưởng của các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần khẩn trương có chiến lược nâng cấp nền tảng hạ tầng cơ sở, logistics.

Nếu muốn trở thành địa điểm tin tưởng của các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần khẩn trương có chiến lược nâng cấp nền tảng hạ tầng cơ sở, logistics.

Các xu hướng thay đổi

Để giải quyết thách thức nói trên, các chuỗi cung ứng phải thay đổi nhiều về mặt kỹ thuật, công nghệ và quản lý, cụ thể:

Thứ nhất, ở cấp độ vĩ mô, bao trùm và mang tính quản lý là khuynh hướng số hóa, giúp bộ phận đầu não của chuỗi có thể quản lý chặt chẽ tất cả các bộ phận còn lại của chuỗi.

Thứ hai, ở cấp độ vi mô, có 9 khuynh hướng công nghệ và kỹ thuật được dự báo sẽ càng phát triển trong hoạt động của chuỗi. Đó là siêu tự động hóa; Chuỗi cung ứng được số hóa kép; Trí tuệ liên tục; An ninh và quản trị chuỗi cung ứng; Phân tích và điện toán tiên tiến; Trí tuệ nhân tạo; Mạng 5G; Trải nghiệm nhập vai; Sử dụng công nghệ mới kiểu bồi đắp mà điển hình là phương pháp in 3D.

Thứ ba, thay đổi mô hình quản lý cũng là một khuynh hướng phổ biến. Khi phân bố lại chuỗi ra khỏi Trung Quốc, các nhà quản lý có thể phải từ bỏ chiến lược qui trình sản xuất nhanh để chuyển sang xây dựng lượng tồn kho tối thiểu.

Thứ tư, các công ty có khuynh hướng tăng sử dụng tài nguyên sạch và có thể tái chế, đặc biệt là các công ty nghiên cứu khoa học và y tế ngày càng sử dụng nhiều tài nguyên sạch.

Hàm ý cho Việt Nam

Dòng đầu tư FDI vào Việt Nam tiếp tục có triển vọng tốt, do đó, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào tăng mạnh sẽ gây áp lực lên giá VND. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý duy trì ổn định tỷ giá nhằm đảm bảo lợi thế xuất khẩu tốt.

Bên cạnh đó, các chuỗi di chuyển sang Việt Nam chủ yếu là các chuỗi sản xuất hàng tiêu dùng vì Việt Nam không có đủ nền tảng cơ sở hạ tầng, logistics tốt, nhân lực kỹ năng cao… Sự dịch chuyển này sẽ khiến tình trạng nhập siêu có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới.

Đặc biệt, những thay đổi trong công nghệ của chuỗi gợi ý rằng Việt Nam nếu muốn trở thành địa điểm tin tưởng cho sự vận hành thuận lợi của các chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý nền kinh tế là một đòi hỏi cấp thiết.

Hơn nữa, Việt Nam cần khẩn trương có chiến lược nâng cấp nền tảng hạ tầng cơ sở, logistics, đào tạo nhân lực kỹ năng cao. Vấn đề quan trọng là chiến lược này phải nhằm vào những chuỗi nào?, địa điểm thu hút ở đâu?, tránh tình trạng làm đường không liên quan đến bến cảng hay khu logistics...

Ngoài ra, Việt Nam xem xét xin tham gia sáng kiến “Vành đai Thịnh vượng” do Mỹ đề xướng để khẳng định Việt Nam là nơi an toàn, tin cậy đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm thu hút những chuỗi công nghệ cao có tầm quan trọng hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu: Kỳ II - Phân bổ lại chuỗi cung ứng

    05:00, 13/06/2021

  • Thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu: Kỳ I - Bài học đắt giá từ COVID-19

    12:20, 10/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu: Kỳ III - Những khuynh hướng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO