“Trưa uống, tối thổi, phạt 3 triệu đồng”; “Phạt 7 triệu đồng vì uống một chén rượu thuốc”; “Uống rượu hôm trước, hôm sau vẫn bị phạt”… là câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ba nhân vật dân chúng xuất hiện trên các bản tin về xử phạt nồng độ cồn trong mấy ngày gần đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Các tít bài báo rất ngắn gọn nhưng đã chứa đựng trong đó đầy đủ thông điệp thể hiện tính nghiêm minh, khách quan của pháp luật. Cùng với đó, là sự xót xa của người mất tiền và sự ngỡ ngàng của dư luận.
Không xót xa, không ngỡ ngàng sao được khi ông Trần Trọng H (49 tuổi, Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) điều khiển xe máy BKS 38X1-7903 vi phạm nồng độ cồn mức 0,08mg/l bị phạt 3 triệu đồng cho biết: “Tối nay tôi có uống rượu đâu. Trưa nay ở xóm có giỗ, tôi uống một ít rồi về đi ngủ. Chiều vợ rủ sang Vinh thăm người ốm, nghĩ hết rồi nên mới lấy xe đi. Ai ngờ lúc kiểm tra thì vẫn vi phạm”.
Không chỉ bị phạt tới 3 triệu đồng, với lỗi vi phạm kể trên, ông H còn bị tạm giữ xe 7 ngày và còn bị tước giấy phép lái xe 12 tháng.
Cùng với bác H, một trường hợp khác cũng khá “nổi tiếng” khi bị phạt nồng độ cồn đó là anh Lê Kỳ Giang (43 tuổi, phường An Mỹ) lái xe bán tải. Anh Giang bị phạt vì "uống một chén rượu ngâm thuốc bắc chữa bệnh đau lưng" trước khi tham gia giao thông.
Với kết quả 0,070 mg/lít khí thở, anh Giang bị lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 7 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước giấy phép lái xe 11 tháng.
Vợ anh - người đi cùng rất bất ngờ với kết quả này và cho biết, "trước đó chồng tôi uống một chén rượu ngâm thuốc bắc chữa bệnh đau lưng. Sau đó, anh lái xe đưa vợ đi mua thực phẩm".
Một trường hợp khác có thể nói là "điển hình" khi anh Hoàng Trọng T. (SN 1987, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ đang chạy xe ôm công nghệ) cũng bị xử phạt 2 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp 0.051mg/lít khí thở (0-0.24mg/lít khí thở bị xử phạt 2-3 triệu đồng).
Nói là "điển hình" bởi, điều đặc biệt trong câu chuyện của anh T là anh này uống rượu từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn bị xử phạt.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 07/01/2020
11:05, 06/01/2020
04:00, 04/01/2020
12:52, 03/01/2020
21:15, 31/12/2019
05:00, 24/12/2019
00:00, 11/08/2019
Ba trường hợp kể trên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ vì uống 1 chén rượu chữa đau lưng mà bị phạt tới 7 triệu đồng là không hợp lý, bởi rượu không hẳn là xấu, có những loại rượu thuốc đang được nhiều người sử dụng thường xuyên để chữa bệnh. Nếu chỉ vì sợ bị phạt, có thể họ sẽ từ bỏ phương pháp chữa bệnh mà họ cho rằng đang có hiệu quả này để rồi lại phải tìm kiếm cho mình một phương pháp chữa bệnh khác.
“Tôi ủng hộ việc phạt nặng những tài xế mà uống rượu bia say xỉn khi tham gia giao thông. Nhưng cũng phải có mức tối thiểu chứ chỉ vì uống một ly rượu thuốc chữa bệnh đau lưng mà phạt như vậy thì không hợp lý. Luật ra nghiêm minh nhưng phải chặt chẽ và hợp lý thì xã hội mới phát triển được”. – bạn đọc Vương Công nói.
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Toàn than thở: "Tôi uống rượu tỏi đã hơn 10 năm. Sáng một ly nhỏ, tối một ly nhỏ để phòng ngừa bệnh và thấy rất rất hiệu quả. Bây giờ nếu theo luật mới thì suốt đời tôi không được lái xe vì vi phạm luật mới này”.
Nếu như trường hợp của anh Giang bị phạt 7 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước giấy phép lái xe 11 tháng vì uống một chén rượu thuốc chữa bệnh khiến người ta ngỡ ngàng, thì câu chuyện “trưa uống, tối thổi vẫn bị phạt 3 triệu đồng” của bác H, hay câu chuyện uống rượu từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn bị xử phạt của anh T lại khiến người dân hoang mang bởi không biết phải cần thời gian bao lâu mới sau khi uống mới có thể điều khiển được phương tiện tham gia giao thông.
"Làm sao để biết cơ thể mình còn nồng độ cồn không khi uống rượu từ tối hôm trước, nhưng hôm sau vẫn bị xử phạt vì có nồng độ cồn, cho dù chừng đó thời gian đủ để người uống rượu lấy lại sự tỉnh táo khi tham gia giao thông?". - Bạn đọc Minh Tuấn bày tỏ thắc mắc.
Có một sự thật là Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mà người dân vẫn gọi là nghị định xử phạt nồng độ cồn, được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngày 1/1/2020, chỉ 2 ngày sau khi ban hành.
Theo giải thích của bà Hoàng Hồng Hạnh - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong quá trình soạn thảo nghị định 100 để thay thế nghị định 46, do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình tai nạn giao thông nên Chính phủ đã có những cuộc họp chỉ đạo, cho phép xây dựng dự thảo theo trình tự rút gọn.
Thế nhưng nhiều người dân vẫn ngỡ ngàng bởi thời gian 2 ngày để tuyên truyền cho người dân nắm được, hiểu được là quá ít. Do đó, cũng là lẽ thường tình khi khá nhiều trường hợp khi bị xử phạt đã tỏ ra bất ngờ bởi chưa nắm được quy định này.
Không thể phủ nhận, Nghị định 100 của Chính phủ với các mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước kia được đánh giá như là “liều thuốc mạnh” để trị “căn bệnh” nhờn luật, chặn đứng các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, khi mà tình hình thực tế đã đến lúc không thể trì hoãn giải pháp này.
Thế nhưng sau vài ngày triển khai, nghị định này đã bộc lộ một số bất cập, bởi quy định cứ lái xe có nồng độ cồn là phạt nặng đã khiến nhiều người dân băn khoăn bởi tại "khoản 8, điều 8 luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá 50 miligram/100 mililit máu hoặc 0,25 miligram/lít khí thở sẽ bị xử phạt. Trong khi đó nghị định số 100/2019/NĐ-CP lại đưa ra quy định khác". - bạn đọc Phan Minh nói.
“Nghị định nêu, người tham gia giao thông chỉ cần có nồng độ cồn là xử phạt, dù rằng nồng độ cồn đó không vượt qua mức tối thiểu mà luật Giao thông đường bộ đã ban hành. Trong trường hợp này, nghị định 100/2019/NĐ-CP có vượt luật Giao thông đường bộ?
Người dân chấp hành theo luật hay theo nghị định? Nếu người dân theo luật Giao thông đường bộ mà không chấp nhận bị xử phạt theo nghị định 100/2019/NĐ-CP thì có bị quy kết chống người thi hành công vụ?”, bạn đọc Thanh Bình băn khoăn.
Trong khi đó, bạn đọc Xuân Phương cho rằng, "bất cứ ai uống rượu nhiều hôm trước thì sáng sớm hôm sau tham gia giao thông vẫn có cồn trong máu và khí thở; ăn một số loại hoa quả (sầu riêng, chuối…) hoặc dùng một số loại thuốc trị bệnh đều có thể có cồn trong khí thở. Chính vì lý do này mà luật Giao thông đường bộ 2008 dựa trên luật của một số quốc gia trên thế giới đưa ra ngưỡng "bao dung" - dưới 0,25 mg/lít khí thở thì không bị phạt, trừ những người mới có bằng thì phải thử thách 1 - 2 năm".
Ở góc độ quản lý, mặc dù tán thành với việc soạn thảo Nghị định 100 với “tinh thần xử lý nghiêm người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã được đưa vào luật”, tuy nhiên ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: "Hiện nay, có 20 nước áp dụng phương án cứ có nồng độ cồn trong khí thở thì xử phạt, và Nghị định 100 này có hiệu lực thì chúng ta nằm trong nhóm 20 nước đó. Còn lại 80 nước thì mức độ cồn trong khí thở phải đạt đến ngưỡng nào đó người ta mới xử phạt".
Theo ông Phong, việc này chúng ta cần phải xem xét, nghiên cứu chứ không thể làm “một phát ăn ngay” được. Bởi không khéo dễ dẫn đến bị lạm dụng và lợi dụng, như vậy sẽ phản tác dụng. Luật đưa ra với tính nhân văn, sức hiệu triệu với một thông điệp tốt cho xã hội như vậy, thế nhưng những người tác nghiệp, thực thi pháp luật mà không đàng hoàng thì lại vô tình biến luật thành điều không tốt, ảnh hưởng tới xã hội.
Đúng là từ trước tới giờ, hiếm có luật định nào đi vào cuộc sống mà tạo ra hiệu ứng mạnh và tức thời như luật này. Bởi bia rượu đã “nhiễm” sâu vào máu của đại đa số người Việt, không chỉ thời nay. Tuy nhiên, để đưa được những quy định nhân văn cùng với một thông điệp tuyệt với như Nghị định 100 vào cuộc sống là cả một quá trình không kém phần cam go.
Có thể với một số bất cập như 3 trường hợp kể trên, hay do tính nhân văn, minh bạch cuả cuộc sống, nghị định 100 rồi sẽ có những điểm cần chỉnh sửa cho phù hợp hơn với thực tiễn. Nhưng phải nói với độ bao quát, toàn diện của luật, với chế tài đủ mạnh, chúng ta có thể tin tưởng rằng đây sẽ là một dấu mốc quan trọng của luật pháp trực tiếp tạo thay đổi lớn nhận thức và hành vi của cả xã hội về bia rượu.