Việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản đang làm nóng lại những “lỗ hổng” trong công tác đấu giá đất.
Mới đây, công an Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vimedimex về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, theo Điều 218 Bộ luật Hình sự.
Cùng tội danh này, cơ quan công an khởi tố Vương Thị Thu Thủy (cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội) và 6 bị can khác là các chủ doanh nghiệp thẩm định giá và đầu tư kinh doanh bất động sản.
Theo đó, cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng. Cụ thể, kết quả điều tra xác định tháng 8/2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương.
Ban đầu, Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh và công ty thẩm định giá được cho là dùng nhiều thủ đoạn thông đồng để hạ mức giá thẩm định một số thửa đất còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng 60-70 triệu đồng/m2.
Theo thông tin từ công an Hà Nội, sau khi hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá, chủ tịch HĐQT Vimedimex đã đưa 3 công ty tham gia đấu giá. Sau đó, đã chi phối công ty cấp dưới rồi trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Một tháng sau khi trúng đấu giá và được bàn giao đất, Vimedimex đã bán lại các thửa đất với giá hơn 110 triệu đồng/m2. Cơ quan điều tra xác định trong vụ án, 6 công ty tham gia thì có 2 đơn vị không đủ điều kiện, một công ty không tham gia. Còn lại 3 công ty dưới quyền đã dìm giá, thông đồng và dựng lên 41 công ty khác để tham gia vào các phiên đấu giá.
Cần định giá độc lập
Theo nhận định của các chuyên gia, động thái vừa qua của cơ quan chức năng đã một lần nữa cho thấy thời gian qua đang tồn tại “lỗ hổng” trong công tác đấu giá đất, nhất là ở khâu định giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm trong đấu giá đất.
Đối với công tác định giá đất hiện nay, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam, lâu nay hoạt động đấu giá, nhất là các quy định về xác định giá khởi điểm trong thực tế còn có sự xung đột, chưa thống nhất dẫn đến việc áp dụng vào thực tiễn để xác định giá khởi điểm đấu giá đất không thống nhất.
Bà Nhung dẫn chứng, liên quan đến việc xác định giá khởi điểm đấu giá đất hiện được quy định tại một số văn bản pháp quy như: Luật đất đai 2013; Nghị định 44/2014/NĐ-CP; Nghị định 01/2017/NĐ-CP; Nghị định số 123/2017/NĐ-CP; Thông tư 333/2016/TT-BTC;… nhưng bản thân các quy định lại có nhiều xung đột gây khó cho chính các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương.
Xuất phát từ việc các quy định liên quan đến việc định giá đất để xác định giá khởi điểm trong đấu giá đất còn có những vướng mắc nhất định, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM thì một trong những vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay trong công tác đấu giá tài sản nói chung và đấu giá bất động sản nói riêng là việc xác định giá khởi điểm không phù hợp với giá thị trường, thường là thấp hơn đáng kể.
Ông Châu phân tích việc xác định giá khởi điểm đấu giá đất đôi khi quá thấp có thể được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn thao túng đấu giá đất, nạn quân xanh, quân đỏ vừa qua. Một khi đưa được giá khởi điểm sát với giá thị trường thì rất có thể tình trạng trên sẽ giảm đi đáng kể.
Đối với giải pháp cho bài toán tính đúng, tính đủ giá khởi điểm trong đấu giá đất, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung trong khi vấn đề giữ hay bỏ quy định về Bảng và khung giá đất, một trong những căn cứ quan trọng để xác định giá khởi điểm đấu giá đất còn tiếp tục chờ Luật Đất đai sửa đổi điều chỉnh thì trong giai đoạn trước mắt chúng ta có thể xem xét phương án thuê các tổ chức định giá độc lập để lấy kết quả định giá này làm một trong những căn cứ xác định giá khởi điểm đấu giá đất.
Có thể bạn quan tâm