Theo thống kê có tới 12 nhà đầu tư “tranh mua” lô cổ phần trị giá lên tới gần 1.200 tỷ đồng của Công ty Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang (HUD Kiên Giang).
Theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 21/12 tới, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) sẽ bán đấu giá trọn lô hơn 34,8 triệu cổ phần, chiếm 98,15% vốn của HUD Kiên Giang, với giá khởi điểm 34.000 đồng/cổ phần. HUD dự kiến thu về tối thiểu khoảng 1.180 tỷ đồng.
HUD vừa công bố danh sách 12 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện về năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá theo lô cổ phần HUD Kiên Giang. Trong danh sách này, có 04 nhà đầu tư cá nhân và 08 nhà đầu tư là các doanh nghiệp. Trong đó, có sự tham gia của Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, một doanh nghiệp đa ngành được thành lập từ năm 1993, do bà Nguyễn Thị Mai Phương – Chủ tịch HĐQT nắm giữ 50% vốn điều lệ. Được biết, vào hồi tháng 3 vừa qua, Tận đoàn này đã tăng vốn điều lệ từ 510 tỷ lên 1.657 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất trong danh sách những nhà đầu tư đủ điều kiện đấu giá trọn lô cổ phiếu có giá trị lên tới gần 1.200 tỷ đồng của HUD Kiên Giang là Công ty CP Thương mại Phát triển Hòa Phát, một cái tên “mới toanh” trên thị trường.
Theo đó, doanh nghiệp này chỉ mới được thành lập từ tháng 3/2020, trụ sở đặt tại số 200 phố Nguyễn Sơn, Phường Bồ Đề, Quận Long Biên, Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, cổ đông sáng lập và lớn nhất là ông Nguyễn Tiến Dũng nắm 90% vốn điều lệ. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng sắt, xây dựng nhà ở, bán buôn.
Từ danh sách trên cho thấy, có những nhà đầu tư có thương hiệu lâu năm trên thương trường và cũng có những nhà đầu tư “mới toanh”, chỉ mới xuất hiện trên thị trường chưa đầy một năm cũng quan tâm đến lô cổ phần này. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của HUD Kiên Giang không chỉ đến từ thương hiệu doanh nghiệp.
Việc có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lô cổ phần này của HUD Kiên Giang được giới chuyên gia nhận định là đến từ hiệu ứng Phú Quốc mới được Quốc hội chấp thuận lên thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản nơi đây sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ và có khả năng sánh ngang với các khu nghỉ dưỡng của Thái Lan.
Điều mà nhà đầu tư quan tâm đến HUD Kiên Giang còn bởi doanh nghiệp này đang nắm giữ một quỹ đất khá lớn bao gồm trụ sở làm việc, nhà máy bê tông và 2 dự án khu du lịch sinh thái, với tổng diện tích là 65.710 m2.
Trong khi dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Chén với diện tích 19.294,3 m2, có thể trở thành một trong những khu du lịch sinh thái trọng điểm của huyện đảo Kiên Hải nhằm khai thác du dịch, hướng tới khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện đảo trong thời gian tới, thì Dự án Suối Lớn có diện tích 90,17 ha nằm tại Phú Quốc (hiện HUD Kiên Giang đang làm thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án này), được cho là có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư.
Ngoài ra, từ việc nhà đầu tư tranh mua cổ phẩn của HUD Kiên Giang còn cho thấy một thực tế là trong việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến việc doanh nghiệp sở hữu bao nhiêu BĐS ở những vị trí gọi là “đất vàng” hơn là quan tâm đến thương hiệu hay ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp được thoái vốn.
Trên thực tế, đã từng có nhiều vụ thoái vốn không thành công, như trường hợp của Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phải hủy phiên đấu giá trọn lô 46 triệu cổ phiếu FPT hồi tháng 8 vừa qua, do không có nhà đầu tư nào đăng ký mua là một ví dụ.
Có thể bạn quan tâm