Cả thế giới đang “quay cuồng” vì những con virus nhỏ bé mang tên Corona, điều chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Sau "kỷ nguyên COVID-19" những tiến trình xã hội nào sẽ là chủ đạo?
Sau “kỷ nguyên COVID-19” thế giới đại đồng sẽ đi về đâu? Tiến trình “toàn cầu hóa” sẽ tiếp tục hay dừng lại? Sự thay đổi của những xã hội “dân chủ quá trớn” phương tây là điều tất yếu? Và xu hướng “giãn cách xã hội” phải chăng là tín điều trong đại dịch?
THAY ĐỔI TIẾN TRÌNH TOÀN CẦU HÓA
Tiến trình “toàn cầu hóa” được xem như một quá trình tăng lên mạnh mẽ của các mối liên hệ và có sự phụ thuộc, ảnh hưởng qua lại giữa các khu vực, quốc gia và các dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hoá đã và đang tạo ra những điều kiện phát triển cho các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Tiến trình toàn cầu hoá hiện nay, với hai đặc điểm tiêu biểu là giới tài chính mặc sức làm mưa làm gió và sản xuất công nghiệp được bố trí tại những nơi giá nhân công rẻ mạt nhất, đã trở thành một căn nguyên dẫn đến cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay. Ngành du lịch thương mại hoá cũng bị điểm mặt là một nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tồi tệ này.
Đại dịch toàn cầu đang diễn ra và cho thấy một sự thật: hiện tại vẫn chưa có một cộng đồng quốc tế thực sự hoặc cộng đồng quốc tế chưa được chuẩn bị để đối mặt với một đại dịch toàn cầu. Trong nhiều thập niên qua, tiến trình toàn cầu hoá về cơ bản là một quá trình dỡ bỏ các chế ước đối với giới tài chính và việc bố trí các nhà máy, công xưởng tại những nơi nào có giá nhân công rẻ mạt, như tại Trung Quốc hoặc một số quốc gia có nền tài chính “cận biên”.
Qúa trình toàn cầu hoá diễn ra tại mỗi quốc gia, dân tộc và được xuất phát từ chính nhu cầu phát triển rộng rãi và có tính quốc tế của chính họ. Việc liên kết kinh tế thế giới đang ngày càng mở rộng, kèm theo đó là sự xuất hiệu nhiều của các tổ chức liên kết kinh tế và tài chính trong khu vực và cả trên thế giới như IMF , WB hay Liên minh châu âu EU …
Tuy nhiên, điều chúng ta nhìn lại không thấy sự tồn tại của các tổ chức, các hệ thống đa phương thực sự có khả năng hành động hiệu quả (từ Liên Hiệp Quốc, đến Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO, từ G7 đến G20…). Và chúng ta cũng thấy Liên minh EU đã không thể đương đầu được trong “cơn sóng dữ” COVID-19 mà bắt buộc phải buông xuôi những lý tưởng ban đầu về một “Châu Âu không biên giới”.
Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng phơi bày một “cơ thể” dễ bị tổn thương và sự phụ thuộc về mặt kinh tế của các nước phương tây, nhất là về một số sản phẩm mang tính chiến lược, như dược phẩm hay là thiết bị y tế… Trong thế giới của nền kinh tế thị trường toàn cầu hiện nay, gần như không còn thứ gì được coi là chiến lược, ngoài lĩnh vực quân sự thuần tuý. Điều này cũng đi liền với việc việc chủ quyền và vai trò của nhà nước bị hạ thấp một cách thái quá và phi lý.
Rất có thể tới đây, châu Âu cần phải tự hỏi lại mình về chiến lược và cả về sự ngây thơ của họ. Đây là điều vốn dĩ rất khó khăn với người châu Âu bởi họ vẫn còn tự coi mình như là lực lượng tiên phong của nền văn minh nhân loại.
Tuy nhiên, giờ đây đã có sự thay đổi, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu vừa quyết định chi ra hơn 1.000 tỉ euro (tương đương 9% GDP) và Uỷ Ban Châu Âu quyết định ‘’đình chỉ toàn bộ’’ các quy định khống chế chi tiêu công! Đây là cơ sở cho sự trỗi dậy của một châu Âu mới!
THẾ GIỚI ĐANG GIÃN NỞ
Dịch bệnh vốn dĩ là một hiện tượng thường xuyên xảy ra trong lịch sử loài người. Trong quá trình phát triển của mình, loài người từng chứng kiến những dịch bệnh khủng khiếp làm chết hàng triệu người ở thời Trung Cổ. Và gần đây là những đợt “đại dịch toàn cầu” như Ebola năm 1976 hay SARS năm 2003.
Trước những năm 1878, thời điểm mà Pasteur phát hiện ra sự tồn tại của vi khuẩn, nhân loại hoàn toàn không biết nguyên nhân thực sự của các căn bệnh truyền nhiễm. Có nhiều thời điểm, họ nghĩ rằng dịch bệnh là do quỷ thần nguyền rủa. Bởi vậy, khi xảy ra dịch họa, người ta đều đưa ra giải pháp giống nhau: cách ly và xa lánh nguồn lây bệnh. Hình thức và mức độ cách ly tuỳ thuộc vào tính nguy hiểm và phạm vi lây lan của dịch bệnh nhưng thường thì các dịch bệnh lớn đều dẫn đến những kiểu cách ly thô bạo, đi kèm với sự kỳ thị lẫn những đối xử phi nhân tính dành cho bệnh nhân. Họ hoàn toàn bị gạt ra ngoài xã hội và thậm chí có những trường hợp bị chôn sống.
Trong đại dịch COVID-19 ngày nay, giải pháp chính mà các nước đi đến sự thống nhất để giảm thiểu độ lây lan vẫn là…cách ly. Và tất nhiên, đó có thể là một biện pháp chính xác. Bởi vì nếu không dùng giải pháp này thì chúng ta chưa chắc có thể kiểm soát được dịch bệnh. Ở mỗi quốc gia với những nền văn hóa khác nhau nên sẽ có những hành động và định hướng xã hội khác nhau.
Tại Việt Nam những ngày gần đây, khi chỉ thị 16 của chính phủ đưa ra việc "cách ly toàn xã hội” - khái niệm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định các giải pháp mới nhất mang tính “tiền khẩn cấp” để giãn cách xã hội, chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành. Theo đó, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.
Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội, chứ không phải phong tỏa. Mục đích cuối cùng là để đối hạn chế bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng.
Với Trung Quốc, họ phong tỏa một cách “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chính quyền Bắc Kinh chặn mọi nẻo ra vào Vũ Hán, yêu cầu người dân ở nhà. Trường học, văn phòng, nhà máy đều bị đóng cửa, toàn bộ phương tiện cá nhân đều bị cấm. Quân đội được triển khai để đảm bảo người dân tuân thủ các lệnh kiểm soát. Đội ngũ tình nguyện viên đến từng nhà kiểm tra nhiệt độ người dân, những người bị sốt ngay lập tức bị chuyển tại các trung tâm cách ly.
Châu Âu với nền văn minh tiên tiến và chủ nghĩa tự do cá nhân được tôn sùng một cách thái quá thì việc “phong tỏa” hay “giãn cách xã hội” là một thứ khái niệm mơ hồ hay là không hợp nhẽ trên khắp "lục địa già".
Pháp bắt đầu áp dụng các lệnh "cách ly xã hội" từ ngày 17.3, dự kiến kéo dài đến ngày 15.4. Những người dân tại Pháp cũng không được rời khỏi nhà trừ khi đi làm các ngành nghề thiết yếu, mua sắm nhu yếu phẩm hoặc là khám bệnh. Ý áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên tại châu Âu, cấm mọi di chuyển vào nước Ý, đóng cửa toàn bộ ngành nghề không thiết yếu để ngăn chặn COVID-19 lây lan rộng khắp. Riêng với nước Anh, người dân chỉ nhận được các yêu cầu từ chính phủ là “stay at home” chứ vẫn chưa phải đến mức “ngăn sông cấm chợ”.
Trong bối cảnh chung như thế, Matxcơva tỏ ra khá bình thản với COVID-19. Tại Nga, cửa hàng, quán ăn vẫn hoạt động bình thường. Chính quyền Nga không có quyết định phong tỏa dân cư nào, tuy cũng đã cho đóng cửa biên giới. Trong Liên minh châu Âu duy nhất chỉ còn Hà Lan là vẫn bám giữ chiến lược “miễn dịch cộng đồng” nhưng nước này cũng đã phải đóng cửa các nơi công cộng tập trung đông người.
Có thể thấy, việc COVID-19 có thể bùng phát nhanh chóng trên thế giới, một phần do sự chủ quan thái quá của các nền văn minh “dân chủ quá trớn”, nơi mà sự tự do mang màu sắc anh hùng cá nhân được cổ súy và duy trì. Tuy nhiên, rất có thể sau “thời kỳ COVID-19”, xu hướng “giãn cách xã hội” sẽ là chủ đạo!
CÁI CHẾT CỦA NHỮNG NỀN DÂN CHỦ GIÀ CỖI
Người ta có thể dễ hiểu việc COVID-19 lây lan một cách “khủng khiếp” và nhanh chóng ở các nước châu Âu cũng bởi tư tưởng chủ quan và tự do cá nhân được nâng tầm thành một “cách sống”. Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha… những nước có số người nhiễm bệnh luôn đứng đầu thế giới thì việc áp dụng các biện pháp phong tỏa hay giãn cách là một điều quá khó với họ.
Nhật báo Les Echos của Pháp vạch ra một nhược điểm của các quốc gia phát triển, đó là sự lão hoá, tình trạng nợ nần chồng chất, khả năng xử lý kém cỏi của các quốc gia “già yếu” ở châu Âu trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng. Thêm vào đó vấn đề khủng hoảng chính trị hiện nay đối với các nền dân chủ của các nước này là ‘‘tương lai của tự do chính trị’’ và các yêu sách “không giới hạn về an toàn’’ mà các thế lực dân tuý đang lợi dụng. Các nước này cũng đang phải đối mặt với các vấn đề đòi hỏi “quá đáng” về bình đẳng, về bảo trợ xã hội.
Chính lối sống vô tư lự, coi khoái lạc là trên hết, cá nhân chủ nghĩa và vui thú hội hè, dường như đã trở thành cái quyền căn bản nhất trong nhân quyền của các quốc gia này. Lối sống này, tạo ra nguồn gốc của thói quen di chuyển liên tục, không giới hạn, không bị cản trở, một sự chuyển động hỗn loạn. Với các cuộc di chuyển không ngừng nghỉ của giới kinh doanh, du lịch đại khiến cho đại dịch bị lan ra toàn cầu một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Tuy nhiên, sắp tới đây, có thể tất cả những thứ mà người ta gọi là “dân chủ” ở các quốc gia này sẽ cáo chung dù bằng cách này hay cách khác! Do đó, có thể là sự điều chỉnh theo xu hướng cân bằng hơn và kiềm chế lẫn nhau với thuộc tính bản chất của một bản thể - vốn thống nhất về quyền, lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.
Nhà lãnh đạo Hungary, Viktor Orban, đã chính thức bóp chết nền dân chủ của đất nước này, khi thông qua dự luật cho phép cai trị bằng sắc lệnh, với án tù 5 năm cho những người mà ông xác định là đang truyền bá thông tin sai lệch. Thủ tướng Cộng hòa Israel Netanyahu đã đóng cửa các tòa án của đất nước của mình để có thể tránh phiên tòa xét xử tham nhũng của chính ông ta. Tại Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp đã đệ trình yêu cầu cho phép đình chỉ các thủ tục tố tụng tại tòa án trong trường hợp khẩn cấp, và có nhiều người lo ngại rằng Trump sẽ lợi dụng tình trạng hỗn loạn để tuyên bố tình trạng thiết quân luật và cố gắng dàn xếp cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Ngay cả ở những quốc gia vốn luôn tìm cách tránh sự cai trị độc đoán, thì sự gia tăng giám sát công dân dựa trên các thiết bị công nghệ cao cũng đang diễn ra trên khắp thế giới. Tất cả điều này đang nhanh chóng làm suy yếu quyền riêng tư bất khả xâm phạm trước đây của công dân.
Israel đã thông qua một quyết định khẩn cấp theo hướng của Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc trong việc sử dụng các thông tin định vị trên điện thoại thông minh của công dân để theo dõi các liên hệ của những người có kết quả dương tính với virus corona. Các nhà mạng điện thoại di động châu Âu đang chia sẻ dữ liệu người dùng (vốn đã từng được bảo mật) với các cơ quan chính phủ. Như Yuval Harari đã chỉ ra, trong thế giới hậu-Covid, những biện pháp khẩn cấp ngắn hạn này có thể trở nên mang tính hiển nhiên.
Tất nhiên, mọi điều xảy ra có thể lại là câu chuyện “tái ông thất mã”. Đại dịch COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm xu thế suy yếu của các nền dân chủ già cỗi, nhưng cũng có thể là ‘cơ hội cho phép các nền dân chủ nỗ lực tự đổi mới, tìm thấy một thế cân bằng mới giữa Nhà nước và thị trường, giữa lợi ích cá nhân và tập thể, cân bằng giữa việc nâng cao khả năng chống chịu của các quốc gia với việc xây dựng một trật tự quốc tế, cân bằng giữa an ninh và quyền tự do.