Để ngăn chặn biến chủng Omicron, bên cạnh phát triển vaccine, sản xuất các bộ xét nghiệm Covid-19 cũng đang được các nước chú trọng.
>>Abbott tung ra bộ xét nghiệm COVID-19 siêu tốc
Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố phát triển bộ xét nghiệm Covid-19 mới có độ chính xác tương đương phương pháp PCR, cho kết quả trong 4 phút. Trong bài viết đã được đăng trên tạp chí Nature Biomedical Engineering, nhóm nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết họ sử dụng thiết bị cảm biến vi điện tử để phân tích vật liệu di truyền ngay từ que lấy mẫu, giúp giảm nhu cầu thực hiện các xét nghiệm Covid-19 trong phòng thí nghiệm, vốn mất nhiều thời gian.
Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu từ 33 người mắc Covid-19 ở Thượng Hải, sử dụng thiết bị của mình song song với xét nghiệm PCR. Theo bài báo, kết quả từ phương pháp của họ "hoàn toàn" trùng khớp với xét nghiệm PCR.
Theo đại diện các nhà nghiên cứu, bộ dụng cụ xét nghiệm thuận lợi ở chỗ cung cấp khả năng phát hiện axit nucleic SARS-CoV-2 nhanh chóng và dễ dàng sử dụng. Nó cũng có độ nhạy, độ đặc hiệu cao và tính di động. "Chúng tôi đưa cảm biến sinh học cơ điện vào một thiết bị cầm tay có khả năng phát hiện virus trong vòng chưa đầy 4 phút", nhóm nghiên cứu cho hay. Phương pháp của nhóm nghiên cứu cũng đáp ứng được các tiêu chí nhanh, dễ sử dụng, có độ nhạy và tính cơ động cao.
Nếu được phát triển thêm, thiết bị này có thể được sử dụng để xét nghiệm ở sân bay, phòng khám, khoa cấp cứu và tại nhà. Không giống như các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đang được sử dụng rộng rãi, thiết bị xét nghiệm mới sẽ không yêu cầu phân tích các mẫu bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm vốn tốn nhiều thời gian.
Thậm chí, trong tương lai, bộ dụng cụ xét nghiệm mới cũng có thể được sử dụng để phát hiện các bệnh khác một cách nhanh chóng mà không cần tinh lọc, khuếch đại hoặc nuôi cấy tế bào gốc, vốn thường mất nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
Tương tự, các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) của Hàn Quốc cũng đã phát triển một công nghệ chẩn đoán phân tử có thể phát hiện biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 trong vòng từ 20-30 phút bằng cách sử dụng công nghệ chẩn đoán phân tử.
Theo đó, công nghệ này có thể phân biệt các đột biến tại nucleotide base (đơn vị có chứa nitơ trong nucleotide), do vậy, có thể phát hiện ra biến thể Omicron mà phương pháp xét nghiệm PCR khó phát hiện.
>>Startup nghiên cứu sản xuất bộ xét nghiệm virus nCoV
Có thể thấy, biến thể Omicron với khả năng lây truyền cao đã làm giảm hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn virus lây lan. Điều này đã dẫn tới việc các quốc gia đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng khi các dữ liệu cho thấy vaccine rất hữu ích trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.
Các nhà khoa học chỉ ra, việc xét nghiệm cho kết quả nhanh cũng là một phương pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và hạn chế được sự lây lan. Chính vì vậy, các quốc gia trên toàn thế giới đang phát triển các công nghệ tiên tiến nhất để tăng cường năng lực xét nghiệm, truy vết nguồn lây.
Cho đến nay các phương pháp xét nghiệm Covid-19 cho kết quả nhanh hơn, chính xác hơn đang được các nước thử nghiệm khi phương pháp xét nghiệm PCR có thể phát hiện biến thể Delta nhưng không phát hiện được Omicron.
Giáo sư Lee Jung-wook nhận định, công nghệ xét nghiệm đang sử dụng hiện nay chỉ "quét" được các vùng cụ thể của virus, trong khi công nghệ chẩn đoán phân tử được phát triển theo cách chỉ tạo ra phản ứng liên quan tới acid nucleic khi có sự tồn tại RNA của virus SARS-CoV-2, nhờ đó phát hiện nhanh biến thể.
"Thế giới đang dần hướng tới việc xử lý nhiều mẫu bệnh phẩm trong thời gian nhanh chóng và cho kết quả chính xác. Với các công nghệ mới đang được phát triển hiện nay, việc xét nghiệm trong tương lai sẽ không cần nhiều thiết bị chuyên dụng, do vậy có thể làm các bộ kit xét nghiệm một cách đơn giản và dễ dàng. Điều này cho phép các quốc gia có thể ứng phó nhanh chóng với một biến thể mới hay một virus mới trong tương lai", chuyên gia này đánh giá.
Các chuyên gia kỳ vọng, các phương pháp xét nghiệm mới có thể nhanh chóng được đưa vào ứng dụng trong năm nay sau khi trải qua các thử nghiệm lâm sàng.
Có thể bạn quan tâm