“Thế hệ chuyển giao” phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh

Sông Hàn 18/05/2020 06:00

Đại hội XIII đặc biệt đề cao khả năng tự giáo dục, tự chịu trách nhiệm trước nhân dân, tự bảo vệ nhân cách của mình với những "thế hệ chuyển giao" khi được đặt vào cương vị lãnh đạo.

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.

Vấn đề này được dư luận nhân dân quan tâm và Trung ương đã và đang “tập trung công sức”, “dày công chuẩn bị” cho Đại hội XIII. Trong bối cảnh Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) thì tư tưởng của Người về cán bộ, nhất người đứng đầu càng có giá trị hơn bao giờ hết.

H

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Ảnh tư liệu.

Chọn đúng cán bộ như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì vậy, Người yêu cầu, cán bộ phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về tư cách, phẩm chất, năng lực. Trong đó, về tư cách, cán bộ phải là người có tư cách đạo đức trong sáng, gương mẫu. Người căn dặn: Cán bộ phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng. Người cán bộ phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết.

 Người đề ra yêu cầu người cán bộ cách mạng: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tuỵ. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

 Người cho rằng, bên cạnh tiêu chuẩn về đạo đức, cán bộ phải có năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc. Cán bộ chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn; cán bộ, đảng viên “phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”.

Tức là, cán bộ cách mạng phải là người hội tụ cả đức lẫn tài để đảm đương trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; lãnh đạo nhân dân, tổ chức thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng thời kỳ cách mạng.

Coi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, có đủ khả năng để gánh vác sự nghiệp cách mạng của dân tộc. 

Đối với công tác bố trí, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải trọng dụng nhân tài, trọng cán bộ. Muốn vậy, phải biết rõ cán bộ; phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng; phải khéo dùng cán bộ; phải phân phối cán bộ cho đúng; phải giúp cán bộ và giữ gìn cán bộ.

Cách dùng người theo kiểu “dụng nhân như dụng mộc” đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh để cống hiến sức lực, trí lực và tâm lực cho Đảng, cho nhân dân..v..v.

Có thể nói, những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ là rất toàn diện, sâu sắc và nhất quán. Những luận điểm của Người mang tính chỉ đạo xuyên suốt, là cơ sở để Đảng ta thực hiện công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai “thế hệ chuyển giao”

Nhắc đến cán bộ, người ta thường nói đến hai yếu tố chung nhất là đức và tài – hai yếu tố phải luôn gắn chặt với nhau. Vì người có đức mà không có tài thì không làm được gì, người có tốt đến mấy cũng chỉ ngồi không, không phát triển được đất nước. Còn có tài mà không có đức lại rất nguy hiểm.

Đại hội XIII sắp tới được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; vào thời điểm có nhiều dấu ấn quan trọng của đất nước.

Đây cũng là thời điểm đặc biệt, khi đất nước có sự chuyển giao mạnh mẽ thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.

Chính bối cảnh đó lại càng đòi hỏi Đại hội phải lựa chọn cho được những cán bộ, đảng viên thực sự xứng đáng, có đủ Tài, đủ Đức, đủ bản lĩnh chính trị

Đảng xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Kiên quyết không để lọt vào đội ngũ lãnh đạo, quản lý những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” quan liêu, tham nhũng.

Cần phải nhớ, Khóa XII, chúng ta đã có bài học đau đớn phải trả giá đắt khi nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Có lẽ ít có khóa nào mà chưa hết nhiệm kỳ đã có gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau, thậm chí đưa ra xử hình sự ở tòa án. Sai lầm của cán bộ giống như u nhọt trên cơ thể, cắt đi rất đau đớn nhưng phải làm để cứu cả cơ thể khỏe mạnh.

Hãy thử nhìn vào 3 thành phố lớn nhất cả nước: Hà Nội – là thủ đô, TP.HCM – là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, Đà Nẵng – từng là một trong những đầu tàu thúc đẩy đổi mới. Vậy mà lãnh đạo cao nhất của 3 địa phương này đều bị kỷ luật, việc này nói lên điều gì?

Thực trạng này chính là do đánh giá không đúng cán bộ, bố trí không đúng cán bộ gây hậu quả tai hại, làm tổn thương uy tín, ảnh hưởng đến danh dự của Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Chúng ta phải chọn được người cán bộ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân mà không đòi hỏi điều kiện gì hết, tức là họ phục vụ nhân dân vô điều kiện. Cán bộ cũng phải luôn tâm huyết, còn nếu nghĩ làm sao chạy cho được thế nọ thế kia thì sẽ tạo ra các hiện tượng tiêu cực ngay thôi.

Đặc biệt, cán bộ chiến lược là rất quan trọng bởi họ có vai trò như những người cầm lái. Nếu coi nhẹ để dẫn đến nảy sinh tiêu cực sẽ rất nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước. Vì thế, công tác lựa chọn, quy hoạch cán bộ phải đồng bộ từ trên xuống dưới, ở các cấp đều phải được coi trọng.

Dẫu sao đi nữa, quan trọng là khả năng tự tu dưỡng, tự giáo dục của từng cán bộ. Tất cả cán bộ cao cấp bị kỷ luật đều có điểm chung là khi đã ở cương vị như thế nhưng lại không chú trọng vấn đề danh dự, liêm sỉ, không tự kiềm chế bản thân và giáo dục chính mình, làm những điều sai trái để cuối cùng phải trả giá đắt.

Chính vì vậy, Đại hội XIII lần này chúng ta phải đặc biệt đề cao khả năng tự giáo dục, tự chịu trách nhiệm trước nhân dân, tự bảo vệ nhân cách của mình với những người ngồi vào cương vị lãnh đạo. Nói cách khác, “thế hệ chuyển giao” kế cận phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, phải luôn trau dồi, học hỏi và làm theo tư tưởng của Người. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng dự khánh thành Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh

    19:01, 16/05/2020

  • Phát hành bộ tem Kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh 

    15:25, 16/05/2020

  • Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi trong tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí

    06:52, 14/05/2020

  • Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

    05:30, 07/05/2020

  • [TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII] Bài 16: Xây dựng Đảng về đạo đức theo Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    05:00, 13/04/2020

  • Bác Hồ với kinh tế thị trường và doanh nghiệp tư nhân

    05:00, 25/01/2020

  • Khai mạc triển lãm “Luôn có Bác trong tim”

    15:51, 15/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Thế hệ chuyển giao” phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO