Không khí ngày hội, sự thể hiện đầy cảm xúc, rất riêng biệt của mỗi người dân về lòng yêu nước, yêu tổ quốc sẽ trở thành động lực của thế hệ trẻ ngân hàng năng động, đổi mới để phát triển.
Những ngày tháng Tư lịch sử đầy cảm xúc và tự hào, một không khí ngày hội lớn tràn ngập cờ hoa và những âm điệu bài ca cách mạng, truyền thống “mùa xuân về trên TP. Hồ Chí Minh” để thế hệ trẻ ngành Ngân hàng tiếp tục tiếp bước và phát huy truyền thống ngành cho sự đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với một chu kỳ tăng trưởng mới.
Những ngày tháng Tư lịch sử năm nay, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2025) thật đặc biệt. Đặc biệt bởi là lễ kỷ niệm lớn tròn 50 năm đất nước thống nhất, non sông về một dải, bởi những thành tựu nổi bật đạt được, gắn liền với 40 năm đổi mới và phát triển nền kinh tế. Chúng ta tự hào về truyền thống lịch sử đất nước, tự hào về sự phát triển của đất nước và niềm tự hào đó được nhân lên gấp bội khi mọi người dân đều hướng về ngày kỷ niệm 30/4 lịch sử, với không khí náo nức lòng người và cảm xúc dâng trào.
Những ngày này, TP. Hồ Chí Minh rực cờ hoa, cùng không khí chuẩn bị cho lễ duyệt binh và cùng đó là tinh thần hưởng ứng hào hứng của mỗi người dân thành phố với đa dạng cách thể hiện: từ treo cờ và mang cờ tổ quốc; trang phục màu cờ, đến thể hiện, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động đời sống và kinh doanh, trong trang trí cửa hàng, cửa hiệu trụ sở doanh nghiệp. Nhiều video, clip về hình ảnh thành phố, hình ảnh các sự kiện tổ chức ngày kỷ niệm… gắn bài hát truyền thống rất hay, ý nghĩa do các bạn trẻ sáng tạo làm dâng trào cảm xúc yêu nước, yêu tổ quốc và tự hào dân tộc.
Hòa cùng không khí đó, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức nhiều sự kiện và hành động cụ thể để chào mừng như: triển lãm ảnh về hoạt động ngân hàng 50 năm qua; tham gia tích cực chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Thành phố..… Ở góc độ quản lý và hoạt động ngân hàng, những sự kiện này và không khí ngày hội lớn sẽ trở thành động lực để mỗi cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và trên hết, để thực hiện nhiệm vụ chiến lược ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, phát triển thành phố trong giai đoạn mới, với khát vọng phát triển.
Tự hào về đất nước, về thành phố văn minh hiện đại nghĩa tình và đóng góp của ngành Ngân hàng trong 40 năm đổi mới, với những dấu ấn nổi bật về sự phát triển của hệ thống ngân hàng, về quy mô mạng lưới hoạt động; về số lượng và loại hình TCTD; về khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; về sự phát triển vượt bậc của dịch vụ ngân hàng hiện đại… Những kết quả đó, sẽ tiếp tục là cơ sở nền tảng để ngành Ngân hàng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, kinh tế thành phố giai đoạn tiếp theo, sau 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Tự hào và khát vọng phát triển. Không khí ngày hội và sự thể hiện đầy cảm xúc, rất riêng biệt của mỗi người dân về lòng yêu nước, yêu tổ quốc sẽ trở thành động lực để mỗi cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng nói chung và thành phố nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đổi mới để phát triển. Chính sự năng động và sáng tạo trong ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển dịch vụ ngân hàng của các TCTD với đóng góp quan trọng từ quá trình làm việc, nghiên cứu và cống hiến của đội ngũ cán bộ nhân viên ngân hàng đã và đang tạo ra những khác biệt trong sản phẩm dịch vụ ngân hàng phục vụ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Kết quả đó là niềm tự hào, là cơ sở và là động lực cho đổi mới để phát triển, với khát vọng đóng góp vào việc xây dựng phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Nửa thế kỷ đồng hành, phát triển của ngành ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh
50 năm kinh tế đất nước phát triển vững mạnh và TP.HCM liên tục phấn đấu trở thành đầu tàu của nền kinh tế, đang vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc, có sự đóng góp và chuyển động không ngừng của ngành ngân hàng.
Theo Lịch sử hoạt động của ngành ngân hàng (nguồn: NHNN), sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nước ta bước sang một thời kỳ mới: thời kỳ hoà bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội sau chiến tranh. Ngành Ngân hàng đã khẩn trương tiếp quản và cải tạo hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, xây dựng hệ thống ngân hàng mới của chính quyền cách mạng, thực hiện thống nhất tiền tệ trong cả nước; ban hành và thực hiện nhiều biện pháp về tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối, thanh toán để góp phần ổn định tình hình kinh tế và lưu thông tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn và tiền mặt cho sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống kinh tế-xã hội; mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế cho công cuộc tái thiết đất nước.
Từ 1986 đến nay, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để theo Nghị quyết Đại hội Đảng VI và các Nghị quyết Đại hội Đảng sau đó, công cuộc đổi mới đất nước được triển khai mạnh mẽ, nền kinh tế chuyển dần từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau một thời gian tiến hành làm thử việc chuyển hoạt động ngân hàng sang kinh doanh XHCN, ngày 26/3/1988 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 53/HĐBT với định hướng cơ bản là “ chuyển hẳn hệ thống ngân hàng sang hoạt động kinh doanh”. Tổ chức, bộ máy của Ngân hàng Nhà nước được kiện toàn, sắp xếp lại để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, đồng thời làm chức năng ngân hàng của các ngân hàng; các ngân hàng chuyên doanh thực hiện nhiệm vụ kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Theo đó, bốn ngân hàng chuyên doanh được thành lập trên cơ sở chuyển và tách ra từ Ngân hàng Nhà nước, gồm: Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Tháng 5/1990, Hội đồng Nhà nước thông qua 2 Pháp lệnh Ngân hàng. Hệ thống ngân hàng bắt đầu quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, căn bản và toàn diện phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Đảng, Nhà nước.
Trong giai đoạn 1990-1996, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách lãi suất dương, kết hợp sử dụng các công cụ gián tiếp với công cụ kiểm soát trực tiếp trong điều hành chính sách tiền tệ; hình thành các thị trường tiền tệ; bước đầu hiện đại hóa công nghệ và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho việc vận hành hệ thống ngân hàng mới. Vốn tín dụng được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế và đạt mức tăng trưởng bình quân 36%/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong nhiều năm. Cũng trong giai đoạn này, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế (IMF, WB, ADB) được tái lập và khơi thông.
Năm 1997, Quốc hội thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, tạo nền tảng pháp lý căn bản hơn cho hệ thống ngân hàng tiếp tục đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cùng thời gian đó, khi khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Chấn chỉnh hệ thống ngân hàng, từng bước xử lý nợ tồn đọng và nâng cao năng lực tài chính.
Bước sang thế kỷ 21, ngành ngân hàng Việt Nam vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng do Ngân hàng Thế giới tài trợ được vận hànhchính thức từ tháng 5/2002, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình đổi mới và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng; các dịch vụ ngân hàng điện tử xuất hiện (E-Banking, Internet banking...). Ngân hàng Nhà nước tham gia đàm phán gia nhập WTO và tích cực triển khai các cam kết về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO (cuối 2006), hoạt động ngân hàng tiếp tục có nhiều đổi mới về điều hành, thể chế, cơ chế nghiệp vụ, công nghệ. Tháng 6 năm 2010, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng mới, tạo nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động ngân hàng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát cao năm 2008 sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, khôi phục đà tăng trưởng năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2011, 2012. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, điều hành chính sách của NHNN đã có những đổi mới căn bản, thể hiện rõ tính chủ động, dẫn dắt thị trường và đạt được kết quả tích cực: Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất liên tục giảm cùng với các chính sách, giải pháp tín dụng tích cực của ngành Ngân hàng đã góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, thị trường ngoại hối và thị trường vàng được quản lý chặt chẽ và ổn định, tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” trong nền kinh tế bị đẩy lùi.
Thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, NHNN đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 (Quyết định 254/QĐ-TTg ngày1/3/2012), Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD ( Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013). Quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu được hệ thống Ngân hàng triển khai quyết liệt theo đúng định hướng, lộ trình và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra: các TCTD yếu kém được kiểm soát, những tồn tại, yếu kém của hệ thống ngân hàng từng bước được xử lý; nợ xấu được kiềm chế và xử lý từng bước; hệ thống Ngân hàng tiếp tục tăng trưởng và đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong tất cả các giai đoạn, sự hiện diện của các ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thực thi xuất sắc mọi nhiệm vụ của hệ thống từ đóng góp chỉnh trang diện mạo đô thị, cung ứng vốn, phương tiện thanh toán, sản phẩm dịch vụ tài chính, hậu thuẫn cho sự phát triển của thị trường vốn, cho nền kinh tế. Nửa thế kỷ đồng hành và không ngừng phát triển mạnh mẽ, hiện đại của ngành ngân hàng cùng TP HCM đã góp sức tiến đến hình thành nên diện mạo, vóc dáng, theo định hướng của một Trung tâm tài chính quốc tế TP Hồ Chí Minh - tự hào được định hướng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, của hôm nay. (Lê Mỹ)