Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 18 tại Indonesia sẽ là sự kiện trọng tâm của thể thao Việt Nam trong năm 2018 và mục tiêu của chúng ta tại đấu trường châu lục là tái lập thành tích 3 Huy chương vàng (HCV) – kết quả mà đoàn Thể thao Việt Nam từng giành được khi tham dự kỳ Á vận hội Doha 2006.
Trước thềm xuân Mậu Tuất, việc U23 Việt Nam “hiên ngang” tại giải U23 châu Á diễn ra tại Trung Quốc dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho những thành tích mới. Những gì thầy trò HLV Park Hang Seo thể hiện đã vượt trên mong đợi, thậm chí, các cầu thủ Việt Nam được truyền thông nước ngoài gọi bằng mỹ từ là những “chiến binh Rồng Vàng” bởi U23 Việt Nam là đội bóng đầu tiên của ASEAN ghi danh đến vòng bán kết U23 châu Á. Không gì là không thể, như tiền vệ Quang Hải từng chia sẻ, chính huấn luyện viên đã gieo vào tâm thức họ một niềm tin mãnh liệt “nếu muốn làm được trước tiên phải tin mình làm được”.
Khi đất nước mang dáng hình trái bóng
Không ai có thể hình dung được những gì mà đội bóng của HLV Park Hang Seo thể hiện tại giải U23 châu Á 2018. Nhưng chúng ta đều thấy được một điều. U23 Việt Nam đã phải đụng độ với tất cả những làng cầu mạnh nhất châu lục trong chuyến hành trình xuyên qua giá lạnh tại Trung Quốc. Đó là Hàn Quốc, đất nước đã giành quyền vào bán kết một kỳ World Cup. Đó là Australia, quốc gia từng sản sinh ra những siêu cầu thủ như Harry Kewell, Mark Viduka, Tim Cahill. Đó là Iraq, cái tên đã đoạt hạng tư Thế vận hội 2004, vô địch Á vận hội 1982, vô địch giải U23 châu Á 2013 và vô địch châu Á 2007...
Chúng ta đã tìm thấy được quá nhiều niềm tin và hy vọng từ một cuộc hành trình kéo dài chưa đầy 10 ngày. Nhưng sau cơn say men chiến thắng, tất cả hẳn sẽ kỳ vọng, bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung sẽ viết tiếp mạch chiến thắng ra sao?
Trên bảng thành tích của thể thao đỉnh cao Việt Nam đã có tấm HCV Thế vận hội mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được tại Olympic Rio 2016. Đoàn thể thao Việt Nam đã nhiều lần đứng trong top 3 bảng tổng sắp thành tích ở các kỳ SEA Games. Nhưng đấu trường trọng điểm trong giai đoạn tới là ASIAD – nơi các vận động viên (VĐV) Việt Nam có khả năng cạnh tranh HCV dù chỉ ở một số nội dung của một số môn…
Tại hội nghị tổng kết của ngành thể thao năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã giao nhiệm vụ cho ngành, phấn đấu hết khả năng, tập trung nguồn lực, con người để tái lập thành tích giành 3 HCV ASIAD – điều chúng ta đã làm được ở kỳ Đại hội cách đây 16 năm.
Ở đấu trường SEA Games 29 tổ chức tại Malaysia, đoàn thể thao Việt Nam đã giành được tổng cộng 59 HCV, hoàn thành một trong những chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường. Tuy nhiên, việc giành được bao nhiêu HCV, xếp hạng toàn đoàn thứ bao nhiêu không còn là điều quá quan trọng khi chúng ta xác định phải thể hiện được sức mạnh của mình ở những môn thể thao Olympic. Và thực tế, tại kỳ SEA Games này, tỷ lệ HCV mà đoàn thể thao Việt Nam giành được ở các môn thể thao Olympic đã đạt khoảng 90%, cao hơn những gì chúng ta làm được tại Singapore trong kỳ SEA Games 28 cách đây hơn 2 năm. Riêng 2 môn cơ bản là điền kinh và bơi đã đóng góp tới 27 HCV.
ASIAD là mục tiêu tiếp nối
Để có lực lượng VĐV tham gia tranh tài tại ASIAD 18, công tác chuẩn bị không phải tới bây giờ mới bắt đầu được triển khai, nhưng thành công tại SEA Games vừa qua đã khẳng định sự đúng đắn của ngành khi định hướng cho thể thao Việt Nam giai đoạn tới, sẽ lấy Asian Games là trọng tâm cho trục quay giữa SEA Games và Olympic. Theo đánh giá của ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 thì trong điều kiện hiện nay, SEA Games đang là đại hội phù hợp nhất với thể thao Việt Nam bởi chúng ta mới chỉ có một số môn phấn đấu giành huy chương ở Asian Games và cá biệt một số VĐV ở một số nội dung có khả năng tranh tài tại Olympic.
Ông Trần Đức Phấn cũng chỉ ra, ở đấu trường trọng tâm của thể thao Việt Nam là ASIAD, trong những kỳ vừa qua, HCV chủ yếu ở các môn võ đối kháng cá nhân chứ chúng ta chưa đạt được thành tích cao trong những môn Olympic cơ bản. Đặc biệt những môn thể thao tập thể thì càng không có thành tích, việc cạnh tranh ở khu vực đã khó khăn chứ chưa nói tới đấu trường châu lục.
Nhìn lại lịch sử, Thể thao Việt Nam bắt đầu tham dự ASIAD từ năm 1982, tại New Delhi (Ấn Độ). Tính đến ASIAD 17 tại Incheon, Thể thao Việt Nam đã góp mặt ở tổng cộng 8 kỳ ASIAD (không tham dự ASIAD 1986). Phải chờ đến 12 năm sau tại ASIAD 12 (Hiroshima 1994), Thể thao Việt Nam mới có được tấm HCV đầu tiên, do công của võ sĩ Taekwondo Trần Quang Hạ. Ở ASIAD Busan 2002, chúng ta đạt thành tích cao nhất trong các lần dự ASIAD của mình với 4 HCV. Kỷ lục đó đến nay vẫn chưa bị phá vỡ. Ở ASIAD 2006, các VĐV Việt Nam giành 3 HCV và trong đó, cầu mây nữ giành 2 HCV. Trong liên tiếp 2 ASIAD sau đó, tại Quảng Châu 2010 và Incheon 2014, ở mỗi kỳ Á vận hội này, Thể thao Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 1 HCV.
Tại Doha, các VĐV Việt Nam cũng giành 13 HCB, tới Quảng Châu là 17 HCB và con số này ở Incheon là 10 HCB. Có thể thấy cơ hội đoạt thêm HCV của Thể thao Việt Nam là không nhỏ. Tuy vậy, các VĐV của ta thường để tuột mất HCV vì những nguyên nhân như bản lĩnh kém ở thời điểm quyết định hoặc thua kém về trình độ so với đối phương ở trận đấu cuối cùng.
Và vì vậy, người hâm mộ thể thao Việt Nam và thế giới chắc chắn sẽ được bùng nổ trong năm 2018 với nhiều cung bậc cảm xúc với một loạt giải đấu của nhiều bộ môn thể thao trên khắp hành tinh.