Tập đoàn Lego đã chính thức cho biết chuẩn bị xây dựng nhà máy mới vận hành trung hòa carbon tại Việt Nam.
Không có gì thay đổi, tháng 11/2022, nhà máy mới của Tập đoàn Lego sẽ chính thức khởi công xây dựng tại KCN VSIP II, tỉnh Bình Dương với tổng đầu tư trên 1 tỷ USD. Đây là nhà máy mới của Tập đoàn Lego xây dựng vận hành trung hòa carbon tại Việt Nam và cũng là nhà máy vận hành trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn Lego trên toàn cầu.
Nhà máy Lego tại Việt Nam có tổng diện tích 50 ha. Giai đoạn I xây dựng khoảng 150.000m2 và dự kiến tháng 7/2024 sẽ có sản phẩm đầu tiên ra thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và tạo việc làm tại nhà máy cho hơn 4.000 người.
>>Tận dụng “cú hích” từ đầu tư FDI
Ông Preben Elnef Phó Chủ tịch kiêm Lãnh đạo dự án của Tập đoàn Lego tại Việt Nam cho biết:“Trong quá trình lên kế hoạch về việc thành lập nhà máy mới tại Việt Nam, một điều quan trọng mà chúng tôi luôn hướng tới chính là giảm thiểu các tác động lên môi trường trong quá trình hoạt động. Bằng việc đầu tư vào hệ thống điện mặt trời để cung cấp nguồn năng lượng vận hành nhà máy và nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến khác cho môi trường, chúng tôi tin chúng tôi tin rằng nhà máy mới của Lego sẽ là một điểm sáng tiêu biểu về vận hành bền vững.”
Theo thiết kế các công năng trong nhà máy như hệ thống nước uống không dùng chai nhựa, phương tiện giao thông bằng xe điện đưa đón nhân viên, hay vận hành trong khu vực nhà máy...Đồng thời, với mục tiêu giảm thiểu các tác động đến môi trường và mong muốn phát triển bền vững, Tập đoàn Lego đã bắt đầu trồng 50.000 cây xanh gần khu vực xây dựng nhà máy mới trong ba năm để bù đắp cho khoảng 25.000 cây sẽ bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy mới, đây là một trong nhiều đề xuất hướng đến tham vọng phát triển bền vững và lâu dài của Tập đoàn Lego tại Việt Nam. Hiện tại 15.000 cây đã được trồng và Tập đoàn Lego sẽ trồng thêm 35.000 cây do VSIP hỗ trợ vào năm 2023 và 2024 khi nhà máy mở cửa.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm vẫn đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022.
Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2022, cả nước có khoảng 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 430 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 264,4 tỷ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đáng chú ý là sau khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã có nhiều dự án FDI mới chất lượng cao, đầu tư theo hướng bền vững lựa chọn Việt Nam làm điểm đến hứa hẹn tạo ra một "làn sóng" đầu tư mới thay đổi nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm