Mặc dù trong năm 2019 sẽ có thêm hai hãng Bamboo Airwas và AirAsia, song KISVN cho rằng thị phần hàng không nội địa năm 2019 có thể không thay đổi đáng kể.
Hiện nay, thị trường hàng không Việt Nam đang có những “ông lớn” Vietnam Airlines - HVN, CTCP Hàng không VietJet - VJC và các công ty con Jetstar, VASCO (SkyViet). Từ năm 2019, thị trường hàng không sẽ có hai đối thủ cạnh tranh mới đó là Bamboo Airwas và AirAsia.
Bamboo Airways được hỗ trợ bởi tập đoàn FLC (HSX: FLC), được thành lập vào giữa năm 2017 với số vốn điều lệ là 700 tỷ đồng. Bamboo Airways chính thức nhận được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không từ Bộ Giao thông vận tải Việt Nam vào tháng 11/2018. Về cơ bản Bamboo Airways hầu như đã chuẩn bị xong các công đoạn cho việc đi vào hoạt động các chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng.
Vào ngày 16/12, CEO của Bamboo Airways tiết lộ rằng chiếc máy bay đầu tiên của họ, một chiếc Airbus A319 được thuê từ WWTAI AIROPCO II DAC trong 48 tháng, đã đến Sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là chiếc máy bay đầu tiên trong số 3 máy bay trong đội bay dự kiến của hãng hàng không Bamboo cho các chuyến bay thương mại vào năm 2019, tập trung vào các tuyến nội địa từ Quy Nhơn và các thành phố cấp 2 khác nơi có các khu nghỉ dưỡng FLC như Quảng Ninh, Hải Phòng,…
Theo đại diện hãng cho biết giá vé máy bay Bamboo Airways khai thác sẽ cao hơn hãng Vietjet Air và sẽ thấp hơn giá vé hãng Vietnam Airlines cùng với đó sẽ có chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Thứ hai là Liên doanh của AirAsia (30% cổ phần) và Tập đoàn Thiên Minh (70%) - nỗ lực thứ 3 của AirAsia tại thị trường Việt Nam. Vào tháng 12/2018, CEO của Tập đoàn Thiên Minh dự kiến liên doanh sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2019 với đội bay ban đầu gồm 5 hoặc 6 chiếc Airbus A320 và A321 sẽ khai thác các tuyến nội địa giữa các thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các chuyến bay quốc tế đi/đến TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Theo ước tính của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN), những hãng hàng không mới sẽ bổ sung một lượng công suất ghế nhất định cho thị trường. Tuy nhiên, nhóm phân tích này cho rằng thị phần hàng không nội địa năm 2019 có thể không thay đổi đáng kể.
Đi tìm nguyên nhân chúng ta dựa trên sự phân tích của từng trường hợp. Cụ thể, về trường hợp Bamboo Airway, hãng này chọn phương án giảm thiểu tối đa đối đầu với hai ông lớn. Hãng lựa chọn mô hình Hybrid, đi vào phân khúc giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air để tránh cạnh tranh trực tiếp.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng tuyên bố lựa chọn tập trung vào các đường bay "ngách" đi các tỉnh thay vì chen chân vào trục chính Hà Nội - TP HCM, một trong những đường bay nhộn nhịp nhất thế giới và đang là sân chơi chính của Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Thế nhưng, hiện tại, cả Vietjet và hai công ty con của Vietnam Airline - VASCO và Jetstar - đều đang khai thác các chuyến bay trên các tuyến này với một tần suất chuyến bay nhất định, đủ để phục vụ nhu cầu hiện tại (theo quản lý của Vietjet).
Do đó, hãng hàng không mới có thể sẽ có khó khăn nhất định khi cạnh tranh với các đối thủ hiện tại để giành được một thị phần đáng kể cũng như duy trì hệ số tải và khả năng sinh lợi. Tuy vậy, sự xuất hiện của Bamboo Airways ít nhiều cũng sẽ tạo ra áp lực lên lợi suất hành khách và làm giảm biên lợi nhuận cho Vietjet và Vietnam Airlines.
Với trường hợp của Liên doanh của AirAsia có thể hơi khác vì AirAsia có thể được coi là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất ở Đông Nam Á với mạng lưới liên doanh, danh tiếng và cơ sở khách hàng rộng ở các nước trong khu vực để hỗ trợ các tuyến bay quốc tế mới đến và đi từ Việt Nam.
Tuy nhiên, rào cản đầu tiên đối với liên doanh này tại Việt Nam là quy trình pháp lý. Vẫn chưa thể xác định rõ ràng về ngày hoạt động chính thức của liên doanh này (dự kiến là vào tháng 08/2019) khi phải mất một khoảng thời gian khá dài để liên doanh có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cũng như AOC và các giấy phép khác từ Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam (CAAV).
Hơn nữa, giả sử rằng liên doanh có thể nhận được các giấy phép cần thiết đúng hạn, họ vẫn cần tìm hoặc đấu thầu cho slot bay tại các sân bay nội địa. Do vấn đề quá tải hiện nay ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất (TP HCM) hay Nội Bài (Hà Nội), việc có được tần suất chuyến bay cao sẽ là một thách thức đáng kể đối với các hãng hàng không mới.
Do đó, khả năng Liên doanh chỉ gây áp lực cho các hãng hàng không hiện tại trên các tuyến quốc tế, chứ không phải các tuyến nội địa.