“Từ khi là một chiến sĩ, nghệ sĩ, tôi đã rất ngưỡng mộ những người làm kinh doanh và luôn đặt ra mục tiêu để hướng đến”, đó là chia sẻ của Nghệ sĩ – Doanh nhân Quý Bình.
Năm 2019, giới showbiz bất ngờ khi nghe tin Nghệ sĩ Quý Bình chính thức ra mắt Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Quý Bình do chính mình sở hữu và điều hành. Nhiều người hoài nghi việc chuyển hướng sang kinh doanh của Quý Bình chỉ là “cho vui” nhưng anh cho biết: “Đây là quyết tâm, là mục tiêu của tôi từ nhiều năm trước và muốn đóng góp nhiều sản phẩm mới, mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội". Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ – Doanh nhân Quý Bình.
- Xin chúc mừng anh đã chính thức gia nhập vào đội ngũ doanh nhân. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, anh có thể chia sẻ cảm nhận của mình về ngày doanh nhân đầy ý nghĩa này?
Từ khi là một chiến sĩ, nghệ sĩ, tôi đã rất ngưỡng mộ những người làm kinh doanh và luôn đặt ra mục tiêu để hướng đến. Doanh nhân là danh xưng của người làm kinh doanh nhưng để được xem là doanh nhân phải có một quá trình phấn đấu lâu dài, ngoài lợi nhuận mang lại cho bản thân và gia đình, còn phải tạo ra được giá trị nhất định cho xã hội, tạo việc làm cho số đông người lao động và có nhiều đóng góp cho đất nước.
Việt Nam đã có nhiều tấm gương doanh nhân với tinh thần làm giàu chân chính và kiến thiết nước nhà như Cụ Phùng Khắc Khoan -một nhà “kinh bang tế thế” vĩ đại với những thành tựu kinh tế mang tính thời đại vào thế kỷ XVI, Cụ Lương Văn Can với “Đạo làm giàu” chân chính, Nhà công nghiệp Trương Văn Bền vào năm 1918 đã lập nhà máy sản xuất xà phòng và kỹ nghệ dầu lớn nhất Đông Dương thời đó…
Những tấm gương kinh bang tế thế và tinh thần kinh doanh của các bậc tiền nhân đi trước đã thổi vào thế hệ sau ý chí, động lực tiên phong mới, dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua thử thách và đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nhân có đóng góp thiết thực cho sự đổi thay của đất nước. Vì vậy, xã hội đã tôn vinh họ và xem doanh nhân là một lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế. Với sự tôn vinh đó, danh hiệu doanh nhân đã trở thành niềm tự hào và động lực để những người làm kinh doanh hướng đến và đặt trọn tâm huyết để thực hiện sứ mệnh của mình.
- Hiện nay, đứng trong hàng ngũ doanh nhân không chỉ có nam mà còn có nhiều nữ doanh nhân. Anh đánh giá thế nào về sự đóng góp cũng như khó khăn của người phụ nữ làm kinh doanh?
Đối với một nam doanh nhân, sự thành đạt của họ đã khiến tôi ngưỡng mộ. Nhưng với một người phụ nữ làm kinh doanh thành đạt, tôi phải nói lời thán phục. Bởi, so với nam giới, người phụ nữ yếu đuối hơn, “nhẹ cân” hơn, họ cũng chỉ có hai bờ vai nhưng lại phải gánh nhiều trọng trách, nhiều vai trò khác nhau. Trong một ngày, với quỹ thời gian như nhau nhưng phụ nữ phải lao động nhiều hơn, phân tâm nhiều hơn và chịu nhiều sự chi phối hơn để làm tròn các vai trò của mình. Có dịp tiếp xúc với nhiều nữ doanh nhân, tôi biết nhiều chị em đã phải chịu đựng nhiều thử thách, khó khăn và phải hy sinh nhiều thứ. Tuy nhiên, điểm mạnh của họ là tinh thần làm việc rất cao, họ đam mê với con đường đã chọn và có nghị lực mãnh liệt.
Một điểm mạnh khác của nữ doanh nhân, đó là sự uyển chuyển, khéo léo, sự điềm tĩnh, ngọt ngào nên họ dễ biến các mối quan hệ đối tác từ căng thẳng trở nên dễ chịu, nhẹ nhàng hơn.
- Hỏi vui anh một câu riêng tư nhé, nhiều chị em hay rỉ tai nhau: “Lấy chồng nghệ sĩ thường hôn nhân khó bền vững”, vậy dưới góc độ là một doanh nhân, anh có thấy dễ… kiếm vợ hơn không?
Mọi người thường có suy nghĩ, nghệ sĩ mang tâm hồn bay bổng, lãng mạn, và có …cuộc sống dễ bị cảm xúc chi phối nên hôn nhân khó bền vững. Tuy nhiên, cái gì cũng có trường hợp chung và ngoại lệ. Ngay cả khi lấy chồng, vợ làm doanh nhân cũng phải chịu không ít áp lực và đôi lúc cũng phải hy sinh. Vậy, bất kể bạn chọn người bạn đời là ai, làm nghề gì thì hôn nhân muốn bền vững cần có đong đầy yêu thương, sự đồng cảm, đồng điệu và cảm thông lẫn nhau.
- Anh vừa nói các dự án kinh doanh của anh xuất phát từ trăn trở của người làm nghệ thuật nhiều năm, cụ thể dự án đó là gì, anh có thể tiết lộ?
Để có thành công nhất định cho bản thân như hôm nay, tôi phải trải qua nhiều tháng ngày phấn đấu và thăng trầm, nhất là trong thời buổi mạng xã hội phát triển, người làm nghệ thuật cũng bị chi phối và ảnh hưởng rất nhiều.
Ngày xưa, sân khấu được xem là thánh đường của người nghệ sĩ và sân khấu 5B đã gắn bó từ khi tôi ra trường và nơi cho tôi nhiều tấm huy chương cao quý. Thế nhưng, khi trở lại sân khấu này, nhìn thấy đồng nghiệp, các bạn diễn ngày xưa và các bạn diễn viên trẻ vẫn phải làm việc trong một nơi bị hạn chế về cơ sở vật chất, tài chính và nhiều khó khăn khác, tôi không khỏi trăn trở. Và mong muốn làm một điều gì đó để thay đổi bộ mặt cho sân khấu này và hỗ trợ các bạn trẻ có môi trường trải nghiệm, được thăng hoa và trưởng thành… là động lực để tôi dấn bước trên con đường mới.
Có thể bạn quan tâm
Riêng lĩnh vực âm nhạc, sau khi đạt giải Vàng giọng ca Bolero, tôi bước chân vào lĩnh vực ca hát và cũng “thấm” nỗi khó khăn của các ca sĩ trẻ. Nhất là các bạn đã trải qua một số cuộc thi nào đó nhưng lại không có người định hướng, không có đất cho họ được định hình khả năng. Dự án kinh doanh sắp tới của tôi là tập hợp các bạn trẻ và thực hiện sản xuất các bộ phim ca nhạc, qua đó, tên tuổi các bạn được công chúng biết đến và cũng là giúp các bạn đi theo nghề, cống hiến tài năng cho công chúng.
- Còn dự án du lịch?
Được đi nhiều nước biểu diễn, tôi thấy ở các nước có bờ biển không đẹp như Việt Nam nhưng họ biết làm du lịch nên thu hút rất đông du khách. Tuy nhiên, việc đưa những nét đẹp và tiện ích cho du khách ở một số nơi còn hạn chế, việc hạn chế này là cơ hội cho các Doanh nghiệp trẻ phát huy tiềm năng. Vì vậy, tôi đang thực hiện các dự án du lịch ở bãi biển tại Kiên Giang, Phú Quốc, Cần Giờ… có nhiều dịch vụ biển chỉn chu, đa dạng như tuyến du lịch trên sông Cần Giờ, du thuyền trên biển, trong đó, dự án tâm huyết nhất là tổ chức Lễ hội Nghinh Ông tại Cần Giờ để thu hút du khách và để ngư dân được dong thuyền ra khơi Nghinh đón Ngư Ông.
Đây là một lễ hội truyền thống mà bà con rất tín ngưỡng, như tinh thần của những người sống và làm nghề đi biển. Đây cũng chính là vùng đất đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp trong thời quân ngũ và tôi đã trưởng thành.
Bước vào lĩnh vực mới có đem lại áp lực cho anh?
Tôi không thấy áp lực, chỉ thấy thêm động lực để đi đến cùng mục tiêu mình theo đuổi nhiều năm qua. Thực tế, làm nghệ sĩ và doanh nhân là hai môi trường hoàn toàn khác nhau, nhưng lại hỗ trợ và tương hỗ với nhau rất nhiều. Và để thành công, lĩnh vực nào cũng cần phải trau dồi, tự đặt áp lực cho mình để phấn đấu không ngừng, để đạt các mục tiêu đã đề ra.
Đơn cử khi làm kinh doanh nghệ thuật, khi thêm lĩnh vực làm kinh tế, tôi vẫn đang làm kinh doanh ở chính lĩnh vực ngành nghề của mình, vẫn đang làm nghệ thuật và nuôi nghệ thuật theo cách riêng.
- Nhưng nghệ sĩ thường hay bay bổng, kinh doanh theo cảm tính, liệu có mâu thuẫn với người làm kinh doanh khi lợi nhuận luôn là con số bắt buộc phải hướng đến?
Kinh doanh là phải tính đến lợi nhuận, từ vừa và nhỏ lên thành lớn để duy trì và phát triển doanh nghiệp của mình, điều là những con số biết nói. Người nghệ sĩ thường được ghi nhận và đánh giá là người làm việc cảm xúc và cảm tính, nói vậy không sai nhưng không có nghĩa nghệ sĩ là người không quyết đoán. Bản thân tôi nếu tôi không quyết đoán sẽ không có một Nghệ sĩ Quý Bình ngày hôm nay.
Có một điểm khác biệt của người nghệ sĩ và doanh nhân, đó là chỉ khi cảm xúc được chắt góp một cách đủ đầy thì nghệ sĩ mới làm tròn vai diễn. Trong khi đó, làm kinh doanh thì không thể đợi cảm xúc đủ đầy mới làm mà phải tự mình đi tìm cảm xúc, biến cảm xúc thành quyết tâm, thành động lực.
Thoạt nghe, kinh doanh nghệ thuật có vẻ hơi nghịch lý nhưng làm nghệ thuật mà không có yếu tố kinh doanh thì sẽ không có sự thi đua giữa các đơn vị. Theo tôi, chỉ có sự thi đua mới giúp nghệ thuật phát triển.
- Thực tế, nhiều nghệ sĩ kinh doanh nhưng tỷ lệ thành công rất ít…?
Đúng là nhiều nghệ sĩ kinh doanh nhưng lại xem kinh doanh là một cuộc dạo chơi, nên điều hành doanh nghiệp theo cảm tính, không quyết đoán, không có chiến lược rạch ròi, bị cảm xúc nghệ thuật chi phối nhiều. Thậm chí, có người còn kinh doanh dựa trên nhân hiệu cá nhân.
Với tôi, kinh doanh là sự rẽ hướng chứ không phải chuyển hướng nên tôi có sự chuẩn bị từ rất lâu. Nếu làm kinh doanh để cho vui thì tôi đã làm từ lâu rồi. Trước khi vào kinh doanh, tôi đã dành nhiều thời gian trau dồi, đi học các khóa học về quản trị, học cách quản lý tài chính, marketing và học trong thực tiễn. Đó là lý do thời gian qua tôi vắng bóng trên sân khấu và truyền hình.
- Nhưng nghệ sĩ kinh doanh cũng có điểm lợi?
Người nổi tiếng cũng có lợi thế khi ra kinh doanh, nhưng đó chỉ là lợi thế ban đầu. Nếu nhân hiệu không được bồi đắp bằng kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh thì vẫn sẽ thất bại. Vì vậy, áp lực lớn nhất của tôi là niềm tin, làm sao để khách hàng yêu thích một nghệ sĩ Quý Bình thì khi trở thành Doanh nhân, họ cũng đặt niềm tin yêu với mình trọn vẹn như thế.
- Từng là một quân nhân, một chiến sĩ, đức tính nào sẽ giúp anh thành công khi bước chân vào lĩnh vực kinh doanh?
Thời gian làm Bộ đội Biên phòng và làm công tác tại phòng Chính trị, tôi được rèn luyện tính kỷ luật và nguyên tắc. Và đức tính này đồng hành với tôi trên suốt chặng đường làm nghệ thuật và cũng là lợi thế để tôi bước vào hoạt động kinh doanh. Nhiều người cho rằng làm nghệ thuật mà nguyên tắc, kỷ luật là không tạo được cảm xúc, không thăng hoa được. Điều đó không đúng. Trong kinh doanh lại càng cần nguyên tắc và tính kỷ luật cao. Thực tế, tôi đã chứng minh cho mọi người sự nguyên tắc và tính kỷ luật đã mang lại thành công và đây chính là điểm mạnh để tôi phát huy và tiếp tục đạt đến những thành công tiếp theo.
Xin cảm ơn anh!