Sinh viên Mỹ đang ngày càng xa lánh Trung Quốc khi số lượng sinh viên tại đây chỉ còn dưới 1.000 người so với con số trước đại dịch là 11.000 sinh viên.
Trên khắp Trung Quốc, sinh viên Mỹ đã không còn trở lại dù Trung Quốc đã gỡ bỏ các lệnh hạn chế thời Covid từ lâu. Điều này cho thấy sự tách rời giữa hai cường quốc giờ đang diễn ra trên lĩnh vực giao lưu nhân dân.
>>Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc sẽ ưu tiên chính sách nào?
Trong năm học cuối cùng trước đại dịch, có hơn 11.000 sinh viên Mỹ đang học tại Trung Quốc. Điều này biến Trung Quốc trở thành điểm đến ngoài châu Âu phổ biến nhất đối với sinh viên Mỹ ở nước ngoài và là điểm đến thứ bảy toàn cầu, theo dữ liệu từ Viện Giáo dục Quốc tế (IIE). Tính đến tháng 6 năm 2023, IIE cho biết, Trung Quốc thậm chí không nằm trong Top 20 ưu tiên của sinh viên Mỹ.
Ông Nicholas Burns, Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, đã đưa ra con số khoảng 800 sinh viên đang theo học tại Trung Quốc trong một bài phát biểu tháng trước, đồng thời nhấn mạnh rằng con số này chỉ đại diện cho những người đang học trong các chương trình tín chỉ đại học ở Trung Quốc.
Sở dĩ sinh viên Mỹ ngày càng giảm ở Trung Quốc là do Trung Quốc kết thúc các hạn chế về Covid muộn hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là bề nổi của tảng băng.
David Moser, Phó giáo sư tại Đại học Thủ đô Bắc Kinh, cho biết. Ông nói rằng số lượng sinh viên Mỹ học tại Trung Quốc đã giảm trong hơn một thập kỷ qua do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và việc thắt chặt kiểm soát về ngôn luận dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trước đại dịch, số lượng sinh viên Mỹ ở Trung Quốc đã giảm hơn 20% kể từ đỉnh điểm vào năm 2012, với nhiều sinh viên quan tâm đến nghiên cứu Trung Quốc.
>>EU bất đồng vì xe điện Trung Quốc
Một yếu tố lớn khiến sinh viên Mỹ chậm quay trở lại Trung Quốc là cảnh báo du lịch cấp độ 3 của Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến nghị người Mỹ "xem xét lại việc đi lại" đến Trung Quốc và Hồng Kông" do việc thực thi luật pháp địa phương tùy tiện, bao gồm cả liên quan đến các lệnh cấm xuất cảnh, và nguy cơ bị giam giữ sai trái."
Lệnh cảnh báo du lịch này đến từ việc Trung Quốc tăng cường sử dụng lệnh cấm xuất cảnh nhắm mục tiêu vào các nhà tài chính và giám đốc điều hành người Mỹ tại Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, có 3 công dân nước này đang "bị giam giữ sai trái" ở Trung Quốc.
Charles Laughlin, Giáo sư Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Virginia, cho biết cảnh báo này khiến ban quản lý của trường ông lo ngại về việc khởi động lại các chương trình Trung Quốc. Một báo cáo gần đây của IIE cho thấy chưa đến 30% các trường đại học và cao đẳng Mỹ được khảo sát có kế hoạch gửi sinh viên đến Trung Quốc vào năm ngoái.
Các yếu tố khác cũng khiến người Mỹ không muốn học tại Trung Quốc bao gồm ít chuyến bay hơn và chi phí ngày càng đắt đỏ hơn, hay thách thức với việc thích nghi hệ sinh thái kỹ thuật số của Trung Quốc, như WeChat.
Các chuyên gia cho rằng họ thấy sự suy giảm này là có hại cho mối quan hệ rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang tập trung vào việc mở rộng các mối quan hệ nhân dân, nhưng chỉ trích chính phủ Trung Quốc không nhất quán đáp ứng.
Vào tháng 6, Wu Xinbo, Trưởng khoa Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Viện, đã đến Washington một phần để vận động Bộ Ngoại giao giảm nhẹ cảnh báo du lịch đối với Trung Quốc.
Theo ông Wu Xinbo, việc gửi thêm sinh viên Mỹ đến Trung Quốc cũng chính là lợi ích của Mỹ, bất kể quan hệ chính trị giữa hai quốc gia. Wu nói: "Ngay cả khi bạn nghĩ về Trung Quốc như một kẻ thù, bạn cũng phải có sự hiểu biết tốt hơn về kẻ thù của mình."
Việc sinh viên Mỹ không còn hào hứng tìm hiểu Trung Quốc về lâu dài được cho có thể dẫn đến sự hiểu lầm và thiên kiến, làm giảm khả năng hợp tác và giao lưu nhân dân giữa 2 nước trong tương lai. Trong nhiều khía cạnh, đây sẽ là điều đáng tiếc nếu hai nền kinh tế ngày càng xa rời nhau, tiềm ẩn nguy cơ giảm cơ hội hợp tác và tăng khả năng tính toán sai lầm.
Có thể bạn quan tâm
BYD Dolphin: Xe điện Trung Quốc vừa mở bán, đã gây thất vọng tại Việt Nam
04:44, 22/07/2024
Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc "tiến thoái lưỡng nan"
03:00, 22/07/2024
Doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nam Định
06:02, 21/07/2024
Xe điện Trung Quốc tràn lan: Cần hàng rào thuế quan bảo vệ doanh nghiệp nội
03:30, 21/07/2024