Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp trụ cột, trong đó có bán dẫn.
Nhật Bản đã từng là cường quốc bán dẫn trên toàn cầu. Trong đó, sản xuất bán dẫn tại vùng Kyushu - thủ phủ công nghệ cao được ví như “đảo Silicon” của Nhật Bản đã góp phần rất lớn trong việc củng cố vị thế dẫn dầu ngành bán dẫn cho đất nước mặt trời mọc.
Trong xu thế phát triển bán dẫn mạnh mẽ hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản đang tăng tốc, gia tăng cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực trong sản xuất mạch tích hợp, sản xuất thiết bị bán dẫn, vật liệu.
Theo ông Ishikawa Isamu - Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, tuy chỉ chiếm 10% diện tích nước Nhật nhưng hơn một nửa tổng giá trị sản xuất mạch tích hợp của Nhật Bản trong năm 2023 được thực hiện tại Kyushu. Nhiều doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch đầu tư tại đây với mong muốn đưa ngành bán dẫn bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Theo thống kê, nhu cầu nhân lực bán dẫn của các doanh nghiệp tại vùng Kyushu khoảng 3.400 người/năm. Tuy nhiên, con số đáp ứng được chỉ khoảng 2/3 khiến nhân lực bán dẫn vùng này thiếu hụt khoảng 1.000 người/năm. Vì vậy, các doanh nghiệp trong vùng nỗ lực đa dạng nguồn cung nhân lực, trong đó có việc đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài.
Trong quá trình đó, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, doanh nghiệp vùng Kyushu nói riêng và Việt Nam với lợi thế về nguồn nhân lực chính là sự đồng hành cùng nhau bước vào bản đồ bán dẫn thế giới.
Ngược lại, từ phía Việt Nam, ở thời điểm chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trong đó có Nhật Bản. Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) chia sẻ, ngoài lợi thế về lực lượng lao động trẻ có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực STEM, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái bán dẫn có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu như NVIDIA, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron…
Nhật Bản cũng hiện diện đáng kể với sự tham gia của các doanh nghiệp bán dẫn, chẳng hạn Renesas đang đặt cứ điểm nghiên cứu và phát triển lớn nhất thế giới tại Việt Nam với gần 1.500 kỹ sư. Ngoài ra, NIC cũng phối hợp với Đại học Hiroshima để tìm kiếm và đưa nhân lực Việt Nam sang Nhật Bản đào tạo cử nhân quốc tế ngành bán dẫn.
Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy nhấn mạnh: “Nhật Bản, với vị thế là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ bán dẫn, đang có nhu cầu mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thì Việt Nam, với lực lượng lao động trẻ, năng động, giàu tiềm năng hoàn toàn có thể trở thành đối tác chiến lược trong việc phát triển nguồn nhân lực và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn Nhật Bản”.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vinh Quang - CEO FPT Semiconductor nhận định, trong ngành bán dẫn, hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đang là "đồng minh tự nhiên". Để hiện thực hoá hợp tác này, CEO FPT Semiconductor đề xuất sáng kiến thành lập hai liên minh. Đó là liên minh giáo dục, tập trung thúc đẩy đào tạo nhân lực bán dẫn chất lượng cao cho cả 2 quốc gia và liên minh chuỗi sản xuất để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, phát triển công nghệ và làm từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn.
Ông Nguyễn Vinh Quang hy vọng liên minh này sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành bán dẫn, hướng đến việc hoàn thiện quy trình đóng gói và kiểm định chip ngay tại Việt Nam và mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ cao.