Thêm tướng: Cân nhắc thiệt hơn!

Trương Khắc Trà 21/06/2018 11:17

Nếu giám đốc công an các tỉnh thành trong cả nước được phong tướng, như vậy cấp phó ở những đơn vị này có phải phong lên cấp Đại tá?

Cùng với nhiều vấn đề vừa được Quốc hội thảo luận ở kỳ họp vừa qua, quy định tăng thêm hàm cấp tướng thật sự làm “nóng” hội trường tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Khê (Đà Nẵng) sáng 21/6. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra.

Hiện trong Bộ Quốc phòng có 489 sĩ quan mang quân hàm cấp tướng, trong lực lượng Công an có hơn 200 tướng đang tham gia công tác. Nếu giám đốc công an các tỉnh, thành được thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng thì con số này ít nhất tăng thêm hơn 55 người.

Thực tế phong tướng là một trong những quy định thông thường trong lực lượng vũ trang nhân dân, để thăng quân hàm, sĩ quan phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn. Điều 17 Luật sĩ quan nhân dân Việt Nam “rào khung” 3 tiêu chuẩn cơ bản, và còn một số trường hợp đặc biệt khác.

Cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc

Cử tri Đà Nẵng phát biểu tại buổi tiếp xúc

Có thể bạn quan tâm

  • Phong thăng hàm cấp tướng: Thời bình sao nhiều tướng thế!

    Phong thăng hàm cấp tướng: Thời bình sao nhiều tướng thế!

    13:05, 14/06/2018

  • Nhiều ý kiến khác nhau về hàm cấp tướng với Giám đốc Công an cấp tỉnh

    Nhiều ý kiến khác nhau về hàm cấp tướng với Giám đốc Công an cấp tỉnh

    09:33, 07/06/2018

Lịch sử cho thấy dân tộc ta trải qua 17 cuộc chiến tranh vệ quốc lớn nhỏ, lần gần nhất cách đây chưa đầy 30 năm, còn những nguy cơ tiềm ẩn chưa thể nào thống kê hết, nhất là khi ngoại bang không thôi nhòm ngó.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc ít nhất cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong đó có nhiều vị tướng hiện tại đã kinh qua trận mạc, họ thật sự xứng đáng.

Khoảng thời gian sau 1975 nước ta có chưa đến 40 tướng nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đến nay tăng gần 10 lần! Phong nhiều tướng là để đáp ứng nhu cầu tác chiến hay giải quyết chế độ chính sách?

Nhưng với giám đốc công an các tỉnh thành, nếu thăng quân hàm cấp tướng, vẫn còn nhiều vấn đề đáng thảo luận, lấy ý kiến nhân dân.

Cử tri Võ Kế cho rằng, vụ việc bộ phận chống đối kích động gây rối những ngày vừa qua cho thấy lực lượng vũ trang dường như chưa kịp thời ngăn chặn, chẳng lẽ chịu bó tay trước một vài phần tử xấu?

Trong khi đó, cử tri Võ Thị Tám cho rằng, tình hình an ninh quốc gia hiện nay rất phức tạp, cần phải bảo vệ xã hội chủ nghĩa chứ không phải bảo vệ chỉ tiêu phong tướng trong lực lượng vũ trang.

Đúng như cử tri này nhận định, tình hình an ninh trật tự xã hội ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề khó kiểm soát, từ cướp trộm, giết người đến kích động gây bạo loạn… "Phải chăng do lực lượng công an chưa đủ tướng?" - cử tri Tám đặt câu hỏi

Việc phong tướng không đơn thuần chỉ là tăng vị thế của quân hàm đeo trên vai sĩ quan, mà đi kèm là chế độ đặc biệt với “tướng”, nhất là về lương bổng, cơ sở vật chất phục vụ kèm theo.

Kỳ họp Quốc hội vừa rồi, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đưa ra nhận định “Tôi cho rằng quân hàm không chỉ mang ý nghĩa phân biệt cấp trên và cấp dưới trong lực lượng vũ trang mà bản chất là tiền lương. Đã là tiền lương thì nguyên tắc là phân phối theo lao động”.

Nếu giám đốc công an các tỉnh thành trong cả nước được phong tướng, như vậy cấp phó ở những đơn vị này có phải phong lên cấp Đại tá? Và một loạt các cơ quan, phòng ban giúp việc vẫn phải thăng quân hàm cho người đứng đầu để tương xứng?

Đó là những vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng, nhất là khi Bộ Công an đang nỗ lực sắp xếp lại bộ máy theo hướng gọn nhẹ để phù hợp và nhạy bén hơn trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thêm tướng: Cân nhắc thiệt hơn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO