Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
7 tỉnh, thành phố sẽ triển khai
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế.
Phạm vi thí điểm không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 7 tỉnh, thành phố và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện được lựa chọn thí điểm. Thời gian thí điểm là 1 năm.
Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.
Công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP; được trang bị trang phục riêng và được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.
Ngân sách cho hoạt động bảo đảm ATTP, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước. UBND cấp tỉnh theo phân cấp ngân sách ưu tiên bố trí kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm ATTP cấp huyện, cấp xã; chủ động bố trí dự toán chi ngân sách hằng năm tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP phần ngân sách của từng cấp được hưởng theo quy định để khen thưởng, đầu tư trang thiết bị, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương nêu trên và thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2018.
Sau thời gian thí điểm, Bộ Y tế tổ chức tổng kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ.
Bài học từ 2 thành phố lớn
Trước đó, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP).
Sau 1 năm triển khai thí điểm (từ 15/11/2015 - 15/11/2016) tại 2 thành phố lớn này, 3/2017, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tổng kết kết quả. Theo đó, trong thời gian thực hiện thí điểm, đã có 94 đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập trên địa bàn 2 thành phố, kiểm tra hơn 7.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (hơn 3.500 cơ sở ở Hà Nội và gần 4.000 cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh). Các đoành thanh tra cũng đã tiến hành xử lý vi phạm 2.949 cơ sở, phạt tiền 1.294 cơ sở vi phạm.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Hà Nội và UBND TP.HCM, Bộ Y tế nhận thấy thí điểm thanh tra chuyên ngành tại các cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn đã giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Việc xử lý các vi phạm được tiến hành chặt chẽ hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn cả 2 thành phố đều giảm.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Y tế nhận thấy thí điểm thanh tra chuyên ngành tại địa phương còn găp nhiều khó khăn. Cụ thể, vẫn còn thiếu hụt về mặt nhân lực, thiếu các cán bộ có chuyên môn về ATTP phụ trách tại từng địa phương. Chưa kể các cơ sở nhỏ lẻ (chợ tạm, chợ cóc…) trên địa bàn xã, phường… thường xuyên biến động cũng gây khó khăn cho công tác thanh tra, xử phạt.
Ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện đã có các vướng mắc như: Nhiều người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nhưng còn tâm lý ngại va chạm, không dám làm, nhất là cán bộ ở cấp xã, phường còn tâm lý nể nang họ hàng làng xóm vì đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương là người quen biết... Mặt khác, qua kiểm tra tại TP. Hồ Chí Minh còn tình trạng chính quyền địa phương giao phó toàn bộ hoạt động này cho phòng y tế quận/huyện, trạm y tế xã/phường nên hiệu quả không cao.
Việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở tuyến quận, huyện và xã phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP, huy động nguồn lực cho công tác quản lý ATTP. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm, số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nâng hạng xếp loại tăng so với cùng kỳ năm 2015. Từ đó, TS. Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất: “Chúng ta cần làm rõ các nguyên nhân, hiệu quả bước đầu của thí điểm để tiếp tục xem xét triển khai thanh tra trên địa bàn toàn quốc, tránh lãng phí nhân lực”.
Bộ Y tế cũng nhất mạnh việc thanh tra không nên chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà còn cần chú trọng tới cả các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, các quầy hàng, cửa hàng ăn uống nhỏ… để đảm bảo hiệu quả ATTP cho người dân. Đối tượng thanh kiểm tra, không phải chỉ dịch vụ ăn uống mà có thể làm cả thực phẩm chức năng, thuốc thú y... Nội dung thanh, kiểm tra cũng mở rộng hơn rất nhiều, chẳng hạn thức ăn đường phố không phải chỉ kiểm tra giấy phép mà cả nguồn gốc thực phẩm, thậm chí cả giấy tờ thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật.