Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) hướng nhiều đến cơ sở, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động cũng như tháo gỡ nhiều vướng mắc, khắc phục tính hình thức, chưa thực chất.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến đánh giá tại Kỳ họp thứ 2, sáng 28/10, khi các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).
Về cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, đã giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước chỉ còn 1 bộ (bản chính) được gửi về cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng ở Trung ương để thẩm định và lưu trữ thay vì 3 bộ như trước kia; mở rộng đối tượng khen thưởng theo hướng kịp thời tôn vinh cũng như tăng cường trách nhiệm, bổ sung thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho người đứng đầu.
Theo nữ đại biểu này, việc giảm bớt thành phần hồ sơ, tóm tắt thành tích không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người được xét khen thưởng mà đối với cơ quan tổ chức cũng không phải xét họp nhiều lần, rườm rà. Dự thảo tập trung sửa nhiều quy định thi đua, khen thưởng cụ thể, rõ ràng, định lượng được để làm căn cứ phấn đấu thi đua cũng như xét thi đua, tiết kiệm thời gian, giảm bớt thủ tục và báo cáo.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cho rằng, không phủ nhận vai trò động lực và hiệu quả của thi đua khen thưởng đối với đời sống xã hội và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế có thi đua để phát huy, có thi đua để khắc phục, hoàn thiện hơn nên cần khắc phục tính hình thức và chạy theo thành tích. Luật cần có quy định rõ, cụ thể, khen thưởng phải theo công trạng của cá nhân, tập thể mới thực sự động viên đối tượng được khen thưởng, khích lệ cộng đồng nỗ lực hướng tới.
“Tổng kết cho thấy những tồn tại, hạn chế có nhiều nguyên nhân, song chất lượng hiệu quả hay hạn chế phụ thuộc nhiều vào khâu tổ chức, triển khai thực hiện chứ không hoàn toàn do luật. Do đó cần quy định nguyên tắc trách nhiệm, xử lý vi phạm cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong tổ chức triển khai thi đua khen thưởng, đề nghị và quyết định khen thưởng” – ông Phạm Hùng Thắng nêu ý kiến.
Còn đại biểu Phạm Trọng Nhân – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đặt vấn đề vì sao phải yêu cầu viết báo cáo thành tích. Dẫn nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật làm dư luận “dậy sóng” khi truyền thông liệt kê các sai phạm của một giám đốc sở mà trên cương vị của mình có không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng, ông Phạm Trọng Nhân băn khoăn công tác thẩm định thông qua các báo cáo thành tích đối với những trường hợp trên có hiệu lực, ý nghĩa thế nào?.
“Chỉ khi nào Nhà nước với đầy đủ công cụ quản lý được giao, thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới bảo đảm ý nghĩa biểu dương, nhất là trong bối cảnh số hoá thì chỉ cần một cái click chuột đã có thể cung cấp đầy đủ các dữ liệu cá nhân được xác thực thì làm sao có thể có kẽ hở để luồn lách, thăng tiến” – ông Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh và cho rằng, dự luật này cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu phải kích hoạt cho được cơ chế phòng vệ trước thói quen hiếu danh và lan toả khí chất “hữu xạ tự nhiên hương, hà tất phải tô vẽ”.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) đề nghị cần quan tâm khắc phục việc quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ mà không phân cấp rõ ràng trong đăng ký nên việc tổ chức bình xét, đánh giá còn nể nang, còn phân định cấp trên cấp dưới nên còn tính hình thức. Bên cạnh đó cần xem xét thay thế quy định có đủ số năm đạt thành tích, tránh việc nể nang nhường thành tích để đảm bảo thời gian liên tục.
Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh sửa Luật Thi đua khen thưởng lần này đảm bảo diện bao phủ rất rộng, bao trùm, toàn diện, hợp lý, công bằng, khoa học, thực tiễn và tạo động lực mới.
Đặc biệt là quán triệt hướng về cơ sở, khu vực ngoài Nhà nước, người trực tiếp lao động, học tập, nghiên cứu trên quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng dồn, tích luỹ thành tích hay tính hình thức. Nguyên tắc này được thiết kế nhất quán, xuyên suốt và chiếm 3/4 các hình thức khen thưởng. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để đảm bảo quán triệt nguyên tắc này rõ hơn trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 27/10/2021
18:45, 26/10/2021
18:12, 26/10/2021
17:32, 26/10/2021
04:20, 26/10/2021
15:58, 25/10/2021
04:00, 26/10/2021