Năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong “tâm bão COVID-19” khiến mọi thứ càng trở nên đáng lo hơn.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh/thành về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cho biết kỳ tốt nghiệp THPT 2020 vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Kỳ thi năm nay diễn ra trong tình hình dịch bệnh nên giao về các địa phương chỉ đạo, không có sự phối hợp với các trường Đại học (ĐH).
Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 9 và 10/8; ngày 8/8, thí sinh (TS) tập trung để làm thủ tục dự thi. Trong 2 ngày thi, TS sẽ làm bài thi của 5 môn. Mỗi TS dự thi để xét tốt nghiệp THPT bắt buộc phải thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN)/khoa học xã hội (KHXH).
Kèm theo là những biện pháp bảo đảm an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 như: Bộ Giáo dục và Đào tạo phân loại các TS theo 4 nhóm: F0, F1, F2 và nhóm còn lại. TS nhiễm COVID-19 được xét đặc cách tốt nghiệp; Giáo viên thực hiện nhiệm vụ phát giấy báo dự thi phải đeo khẩu trang; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đảm bảo khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; TS phải đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt, cần đảm bảo giãn cách..v..v.
Có thể nói, ở Việt Nam dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, một số ngành sản xuất phải tạm thời ngưng trệ. Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến như vận tải, da giày, may mặc, tài chính v..v… Trong đó ngành giáo dục nước nhà bị ảnh hưởng rất lớn và trên diện rộng.
Trước diễn diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đến thời điểm này vẫn chưa ai có thể khẳng định được chính xác thời điểm nào học sinh được đi học trở lại bình thường. Thậm chí, dù Bộ GD-ĐT đã hai lần lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay với dự kiến từ ngày 8/8/2020, nhưng đến thời điểm hiện tại dư luận vẫn chưa yên tâm nhiều thứ.
Phải nói rằng, năm nay các em chuẩn bị trải qua kỳ thi “chưa từng có trong lịch sử” khi kỳ thi tốt nghiệp THPT này diễn ra trong bối cảnh dịch họa hoành hành, trong đó Đà Nẵng và Quảng Nam đang trở thành tâm dịch. Nên sẽ không bất ngờ khi 2 địa phương này kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT và cho phép xét đặc cách cho các TS.
Nhân chuyện “thi cử trong bão dịch COVID-19” này, cá nhân tôi nhìn nhận rằng: Thi là để đánh giá kết quả một quá trình học tập. Ở bất cứ kỳ thi nào cũng có những áp lực riêng với người học, đó là tâm lý chung. Tuy nhiên, năm nay đặc biệt ở chỗ, kỳ thi diễn ra trong “tâm bão COVID-19” khiến mọi thứ càng trở nên đáng lo hơn.
Nói thẳng ra, không nên để các TS mạo hiểm với dịch chỉ vì một kỳ thi. Các nhà quản lý nên cân nhắc đến phương án dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT và cho phép xét đặc cách cho các TS như hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam kiến nghị. Vì sẽ không có kết quả tốt khi các TS mang tâm thế vừa đi thi với mong muốn làm bài tốt, lại vừa lo lắng bản thân không bị ảnh hưởng bởi dịch.
Đó là chưa kể, các trường ĐH-CĐ có đủ năng lực để xét tuyển dùng học bạ và kiểm tra thêm trên cơ sở dùng công nghệ khi tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng đã chủ động đưa ra các phương án xét tuyển phù hợp dựa vào tình hình thực tế dự phòng trường hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay bị hủy.
Nhìn rộng ra, một con số thống kê cho thấy, trong số 19 quốc gia và vùng lãnh thổ được thống kê, có 4 nước hủy kỳ thi THPT hoặc tuyển sinh đại học là Mỹ, Indonesia, Anh và Pháp; 9 nơi lùi kỳ thi tốt nghiệp là Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Nga, Ukraine, Hungary, Malaysia; 2 nước chưa có kế hoạch cụ thể là Belarus, Singapore; nhóm không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời gian tốt nghiệp và cách thức xét tốt nghiệp là Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand.
Đặc biệt, các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế thường được dùng rộng rãi để xét tuyển vào các trường đại học tốp đầu của Mỹ như A-Level, SAT, ACT, IB… cũng đã được thông báo hủy.
Nói như vậy để thấy, dịch bệnh là tình huống bất khả kháng. Nếu kỳ thi vẫn diễn ra đúng như kế hoạch thì chúng ta cần phải tính đến phương án xét đặc cách tốt nghiệp cho TS những địa phương không thể tổ chức thi, hoặc có thể phải tổ chức thi lại, hoặc sát hạch theo thủ tục đơn giản để công nhận tốt nghiệp. Hoặc là phải lùi lại kỳ thi trên cả nước để đảm bảo mọi quyền lợi cho các em.
Tất cả trên tinh thần “bước vào một cuộc chiến tranh với virus” và mọi người dân phải ứng xử như trong thời chiến. Nên các nhà làm luật và ngành giáo dục cũng cần xem xét ở tình huống đặc biệt để sửa luật.
Có thể bạn quan tâm
12:23, 29/07/2020
12:24, 22/04/2020
06:15, 12/04/2020